“Phản ứng nhanh”...

Ở Thừa Thiên Huế, DCGC xảy ra từ năm 2004 và một vài năm tiếp theo, có đến hàng trăm ngàn con gia cầm phải chôn hủy gây thiệt hại lớn. Khoảng 5 năm trở lại đây, DCGC cơ bản được khống chế, một phần có sự hỗ trợ thiết thực từ dự án VAHIP. Nổi bật nhất là hỗ trợ nâng cao kỹ năng phòng chống dịch cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở. Riêng năm 2013, dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn về quản lý ổ dịch, xử lý môi trường và phương pháp sử dụng thuốc sát trùng cho 120 cán bộ thú y huyện, xã... Các đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng phòng chống dịch do dự án VAHIP tổ chức còn tạo sự đoàn kết, gắn kết chặt chẽ trong đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống DCGC và cúm ở người. Khi phát hiện gia cầm nghi nhiễm bệnh, cán bộ thú y kịp thời báo với đội ngũ y tế để đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch lây sang người. Từ khi có sự hỗ trợ của dự án VAHIP đến nay, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp bị nhiễm DCGC ở người.

Phun thuốc phòng trừ dịch bệnh tại trang trại ở Quảng Điền

Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Thú y nhận xét: “Hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống DCGC thật sự phát huy tác dụng khi người dân và thú y cơ sở phát hiện và xử lý nhanh gọn các ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Năm 2013, trên địa bàn tỉnh phát hiện 7 ổ dịch nghi nhiễm cúm gia cầm. Sau khi lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm, kết quả một ổ dịch dương tính vi rút H5N1, nhánh 2.3.2.1 nhóm C độc lực cao. Lực lượng cán bộ thú y cơ sở bám sát, theo dõi ổ dịch 24/24 giờ, nhanh chóng triển khai các biện pháp rải vôi khoanh vùng dịch, tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng, chôn hủy trên 600 con gia cầm... Chỉ sau hai ngày, các lực lượng khống chế ổ dịch một cách hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại, tránh ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh là kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều hoạt động thiết thực

Xác định tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống dịch, hằng năm dự án hỗ trợ vắc xin và các thiết bị cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Riêng năm 2013, toàn tỉnh tiêm trên một triệu liều vắc xin phòng chống DCGC. Từ đầu năm 2014 đến nay, ngành thú y tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng chống dịch cúm H5N1 cho đàn gia cầm vụ xuân. Dự án hỗ trợ công tác quản lý chặt chẽ các đàn gia cầm, bằng việc cấp sổ theo dõi đàn vịt chạy đồng, ghi chép số lượng đàn, thời điểm tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại...

Năm 2013, dự án hỗ trợ khoảng 2,5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị tại các chợ kinh doanh gia cầm, như chợ Thủy Phương, Lộc An, chợ Nọ, An Lỗ. Đến cuối năm, các chợ được nâng cấp, xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tại các chợ Quảng Phước, Thủy Phương, An Lỗ, chợ Nọ, Lộc An, có 8 cán bộ được hỗ trợ phụ cấp thêm lương để tăng cường công tác giám sát hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm an toàn dịch bệnh.

Cảnh báo, phát hiện sớm ổ dịch thông qua công tác truyền thông tại các trường tiểu học được dự án triển khai hiệu quả. Hoạt động này được thực hiện tại 6 xã, 10 trường tiểu học với gần 4.000 học sinh, 4.000 phụ huynh và 300 giáo viên tham gia, có sự phối hợp với trạm y tế các xã nhằm tuyên truyền các biện pháp phòng chống DCGC ở người. Chương trình truyền thông thật sự góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh trong phòng chống DCGC. Kết quả điều tra cho thấy, số phụ huynh hiểu biết về DCGC tăng bình quân từ 17% đến 40% và số học sinh tăng từ 30% đến 50% so với trước... Với những hỗ trợ thiết thực của dự án VAHIP, đến nay ngành thú y tỉnh cơ bản đảm bảo các điều kiện, năng lực, sẵn sàng ứng phó với DCGC.

Hoàng Triều