Kỳ thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính trong cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị của tỉnh. Ảnh: Anh Phong
Năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 42- NQ/TW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình thực hiện, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 24-KL/TW (2012), Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 15 (năm 2012) và 06 (2017) hướng dẫn chi tiết và bổ sung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy thực hiện đã nhiều năm nhưng trong công tác quy hoạch cán bộ cũng có những bất cập cần khắc phục.
Cần phải khẳng định, công tác quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng, không thể thiếu trong công tác tổ chức nói chung và đề bạt cán bộ lãnh đạo nói riêng. Quy hoạch là việc làm thường xuyên nhằm phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện, bổ sung đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Từ quy hoạch đến bổ nhiệm là một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc gắn với xây dựng tổ chức. Đây cũng là giai đoạn thể hiện nỗ lực phấn đấu hết mình của mỗi cán bộ khi đã được đưa vào diện quy hoạch. Những nhiệm vụ mà Nghị quyết 42 đề ra giúp thực hiện công tác cán bộ bài bản hơn, phù hợp với yêu cầu chuẩn hóa cán bộ của Đảng. Theo quy định thì quy hoạch sẽ có “động” và “mở”, quy hoạch không khép kín trong một đơn vị mà còn là nguồn cán bộ cho các đơn vị khác. Quy hoạch là quá trình sàng lọc được thực hiện định kỳ, có bổ sung mới và đưa ra khỏi diện quy hoạch. Đồng thời, với quy hoạch là luân chuyển, điều động cán bộ, tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, thử thách qua thực tế công tác.
Theo Hướng dẫn 15 của Ban Tổ chức Trung ương thì số đưa vào diện quy hoạch nhiều hơn so với số lượng cho phép bầu cấp ủy và số lãnh đạo ở từng cấp. Cụ thể là với cấp ủy được quy hoạch nhiều hơn từ 1,5 đến 2 lần số lượng cấp ủy được phép bầu, số quy hoạch lãnh đạo tối đa không quá 3 người/1 chức danh. Như vậy, quy hoạch có số dư lớn so với thực tế cho phép khi bầu cấp ủy hoặc bổ nhiệm cán bộ. Mặt tích cực là có nhiều cán bộ để cấp trên lựa chọn, tự thân mỗi người phấn đấu nỗ lực, thể hiện năng lực vượt trội so với số quy hoạch. Hạn chế của nó là có nhiều người được quy hoạch nhưng bổ nhiệm thì có hạn, là số ít. Với cấp trưởng có 3 người, nhưng cấp phó thì số quy hoạch nhiều gấp 3 lần số lượng lãnh đạo quy định của một đơn vị. Do không quy định thời gian bao lâu nên cán bộ được quy hoạch cứ phấn đấu và chờ, đến khi điều kiện chín muồi lại quá độ tuổi theo quy định. Người nào có ý chí phấn đấu tốt sẽ xác định tư tưởng, nếu không dễ dẫn đến chán nản sinh ra bất mãn, có khi lại trở thành tiêu cực, diễn biến tư tưởng ngay trong từng người.
Quy hoạch không chỉ phục vụ đề bạt trong phạm vi một đơn vị mà còn để bổ nhiệm ở các đơn vị khác, phục vụ cho sắp xếp của tổ chức. Nhiều trường hợp quy hoạch nơi này, nhưng khi đề bạt lại được bổ nhiệm ở đơn vị khác. Nhiều trường hợp điều động để phục vụ cho sắp xếp bộ máy không phải vì công việc mà là giải quyết chính sách hoặc giải quyết dư thừa ở các đơn vị. Đây là vấn đề bất cập, nếu không làm khách quan, không phải do nhu cầu cần thiết của nhiệm vụ.
Tình hình hiện nay, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, số lãnh đạo sẽ bị dôi dư với số lượng lớn. Cái khó của tổ chức khi sắp xếp, bố trí lãnh đạo là dư ra thì đưa đi đâu? Con đường ngắn và dễ nhất là điều động, bổ nhiệm sang một đơn vị mới. Cũng có trường hợp không đề bạt lên được từ một đơn vị do thiếu tín nhiệm, nên buộc phải bổ nhiệm ở nơi khác. Lý do đưa ra là do nhu cầu tổ chức, nhưng nếu lãnh đạo cấp trên không công tâm, khách quan, cố ép bổ nhiệm thì sẽ gây khó khăn cho đơn vị mới. Nhiều khi điều động kiểu này dễ phát sinh tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ nơi cán bộ được điều động đến. Thực tế ở nhiều nơi, khi đề bạt người nơi khác đến dễ gây phản ứng ở cán bộ trong diện quy hoạch và cán bộ, công chức tại chỗ. Vấn đề này đòi hỏi lãnh đạo cấp trên phải hết sức khách quan, xuất phát từ nhiệm vụ đòi hỏi, tránh lợi dụng điều động để bố trí người nhà, người thân vào những vị trí chủ chốt.
Quy hoạch là yêu cầu của công tác tổ chức, là tiền đề cho đào tạo, bổ nhiệm. Giữa quy hoạch và đề bạt là khoảng thời gian chuyển tiếp trong quá trình phấn đấu của cán bộ. Quy hoạch không có nghĩa là đề bạt, không phải tất cả những người trong quy hoạch đều được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý. Công tác tổ chức cần làm cho cán bộ hiểu đúng thực tế khách quan, yên tâm phấn đấu, đừng để hiểu sai mục đích của quy hoạch cán bộ là “quy hoạch treo”.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH