Năm 2017, tổng giá trị thiệt hại do các đợt thiên tai, mưa lũ gây ra cho huyện Phong Điền gần 68 tỷ đồng.

Xây kè chống xói lở sông Bồ đoạn qua thôn Thượng An (Phong An, Phong Điền)

Từ Phong Bình và Phong Sơn

Phong Bình là xã thấp trũng có nhiều sông hói, nằm ven Sông Ô Lâu. Hàng năm vào mùa mưa lũ, Phong Bình thường bị ngập sâu trong nước.

Đầu mùa mưa lũ năm 2018, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn (PCBL&TKCN) xã đã kiện toàn, xây dựng các phương án, giải pháp ứng phó, phòng tránh thiệt hại do bão, lũ.

Tại các khu vực xung yếu, thấp trũng, có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn; trong đó có 100 hộ dọc sông Ô Lâu như thôn Hòa Viện, Vĩnh An, Tây Phú, Trung Thạnh, Đông Phú… công tác chuẩn bị di dời, sơ tán dân khi lũ dâng cao đã được lên kế hoạch cụ thể, đồng thời phân công trách nhiệm cho từng cán bộ trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình từng thôn, xóm.

Theo ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, ngoài nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động, sẵn sàng đối phó kịp thời với bão lũ, công tác bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân,  các công trình phúc lợi, tài sản, hoa màu trong mùa mưa bão được lên phương án, trong đó chú trọng việc di dời người dân khi xảy ra bão lũ, tập trung các địa bàn trọng điểm nhưkhu vực thấp trũng ở Vân Trình, Tân Bình, Siêu Quần và các thôn dọc sông Ô Lâu.

Khác với Phong Bình, Phong Sơn là vùng núi, dễ bị chia cắt khi có thiên tai. Năm nay, ngay từ đầu mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCBL&TKCN xã đã được kiện toàn, củng cố, phân công các thành viên phụ trách từng thôn; đồng thời, xác định các khu vực xung yếu để tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư thực hiện việc phòng tránh và tổ chức di dân kịp thời, an toàn.

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, đến nay, xã đã lên phương án di dời 167 hộ với 460 khẩu ở 13 thôn khi xảy ra lũ lớn. Các phương án về phòng tránh bão, lũ theo từng cấp độ đã được hoàn tất.

Phong Điền còn có nhiều xã ở vùng biển và ven biển, chịu tác động lớn của mưa bão và nguy cơ sạt lở cao như các xã Phong Hải, Điền Môn, Điền Hương, Điền Lộc… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra, lãnh đạo và Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các xã này đã đề ra giải pháp thích hợp, chủ động với phương châm “5 tại chỗ”, lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn khi xảy ra bão, lũ.

Những giải pháp căn cơ

Ông Trần Lợi, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, đến nay, huyện đã trang cấp hơn 60 loa cầm tay cho các thôn, xã ven sông Bồ, sông Ô Lâu để kịp thời thông báo cho người dân khi lũ về; hợp đồng với VNPT cung cấp dịch vụ tin nhắn, thông tin kịp thời tình hình mưa lũ đến cơ sở. Huyện đã lên phương án cụ thể di dời các hộ dân khi có bão, lũ quét, bão kết hợp với lũ, nước dâng; có phương án trực, theo đõi thường xuyên nhằm xả nước, bảo vệ, khắc phục kịp thời sự cố cho 10 hồ thủy lợi, 1 đập thủy điện trên địa bàn khi có bão, lũ xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin: Nhằm ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm và triều cường xâm nhập mặn vào đồng ruộng, bảo vệ 213ha lúa 2 vụ của 2 xã Điền Hòa, Điền Hải và 48ha nuôi trồng thủy sản xã Điền Hải, huyện đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp đê đông phá Tam Giang. Công trình có tổng chiều dài 6.142m, kết cấu bê tông xi măng, mặt đê rộng 3m với tổng kinh phí 45 tỷ đồng (giai đoạn 2017-2020); đến nay đã thực hiện được 1.950m với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư kinh phí trên 3 tỷ đồng khắc phục điểm sạt lở sông Ô Lâu tại xã Phong Thu với tổng chiều dài là trên 215m.

Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở 2 điểm sông Bồ đoạn qua thôn Thượng An (Phong An, Phong Điền) với chiều dài 181m, kinh phí 3 tỷ đồng. Trước đó, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án kè chống sạt lở sông Bồ đoạn qua một số vị trí thuộc huyện Phong Điền và TX. Hương Trà, với tổng chiều dài 4.720m, kinh phí gần 82 tỷ đồng. Dự án sẽ trực tiếp bảo vệ đất cho 1.580 hộ dân, 4.500ha lúa, hoa màu; bảo vệ tuyến tỉnh lộ 11, các công trình lịch sử, văn hóa, trạm bơm, kênh mương đồng ruộng trong khu vực...

Đến nay, Phong Điền đã dự trữ hơn 41 ngàn kg gạo, hơn 1 ngàn kg mì tôm. Các xã, thị trấn dự trữ trên 26 ngàn kg gạo, hơn 8 ngàn kg mì ăn liền, hơn 14 ngàn lít nước uống, 2 ngàn lít xăng dầu và nhiều vật dụng khác như lương khô, đèn pin, cá hộp, muối, nước mắm... để phục vụ cho mùa bão, lũ.

Bài, ảnh: Hải Huế