Khởi nghiệp ở xã Hương Hòa, ông Nguyễn Công Trứ là chủ doanh nghiệp (DN) Tuấn Hường (DNTN Thương mại nông sản Tuấn Hường) với cơ ngơi khang trang gồm trang trại chăn nuôi heo khép kín và thu mua mủ cao su.

Ông Nguyễn Công Trứ (bìa trái) đang thu mua mủ cao su cho bà con

Sinh ra và lớn lên ở xã Lộc An (Phú Lộc), sau khi lập gia đình, ông cùng vợ rời quê vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Năm 1998, ông cùng vợ con quay về quê và lên Nam Đông lập nghiệp. Những ngày đầu khó khăn, vợ chồng ông đi làm thuê, làm nông, thu mua phế liệu. Sau khi có số vốn kha khá, ông tổ chức thu mua mủ cao su cho người dân trong xã, huyện. Từ một hộ thu mua mủ cao su dạo, đến năm 2008, ông có 5-6 cơ sở nhỏ thu mua cao su bán lại cho các DN ở Đà Nẵng, Quảng Trị.

Hơn 10 năm xoay xở, mưu sinh bằng nghề mua bán mủ cao su dạo, cũng là chừng đó thời gian ông Nguyễn Công Trứ tích góp vốn liếng, kinh nghiệm cho bản thân. Đến nay, ông đã thành lập DN và có 30 cơ sở thu mua mủ cao su trải khắp các xã trên địa bàn Nam Đông. Với 1/3 thị phần thu mua mủ cao su ở huyện này, hằng năm DN của ông thu mua khoảng 2.000-2.200 tấn mủ đông, thu lợi nhuận 300- 400 triệu đồng; đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định thường xuyên cho gần 40 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Đây một trong ít DN hoạt động có hiệu quả và giải quyết nhiều việc làm cho con em người địa phương trên địa bàn huyện, góp phần tiêu thụ, mở đầu ra cho sản phẩm mủ cao su của người dân.

Anh Nguyễn Công Trãi, một nhân công làm việc tại DN của ông Trứ chia sẻ, trước đây anh đi làm trong miền Nam, mãi đến năm 2014 mới xin vào làm việc tại DNTN Thương mại nông sản Tuấn Hường, mức lương 5 triệu đồng/tháng. Công việc không vất vả, ngoài ra còn được hưởng nhiều chế độ liên quan. Bên cạnh việc phát triển DN, ông Trứ cùng gia đình tập trung tăng gia phát triển sản xuất. Hiện nay gia đình ông có 1 trang trại nuôi heo khép kín quy mô lớn với gần 70 heo nái ngoại, mỗi năm xuất ra thị trường 1.800 heo giống, hơn 1.500 heo thịt (115 tấn); sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông có 15 ha keo và 5 ha cây cao su đang khai thác, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Công Trứ tâm sự: Lúc đầu khởi nghiệp bản thân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những lần giá mủ cao su xuống thấp, heo bị dịch và rớt giá là những lần khiến DN điêu đứng. Nhiều tháng trở lại đây, tình hình thị trường tương đối ổn định, giá heo hơi cao, giá cao su tương đối. “Có vốn, các con hiện đã trưởng thành là niềm vui lớn nhất của tôi”- ông Trứ chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Công Trứ còn được nhiều người biết đến bằng các hoạt động thiện nguyện. Hàng năm nhân dịp tết đến xuân về, ông đều tổ chức cấp phát gạo, tặng quà cho các hộ nghèo, bà con người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đều đặn hàng tháng, DN trích một phần kinh phí hỗ trợ chương trình “Nối nhịp nghĩa tình” của Đài TRT, tặng quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Là một trong những DN trên địa bàn huyện Nam Đông đi đầu trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế, có năm, DNTN Thương mại nông sản Tuấn Hường nộp hơn 2 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước. Gia đình ông Nguyễn Công Trứ vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen về sản xuất kinh doanh giỏi, nghĩa vụ nộp thuế, tấm lòng nhân ái… Ông là cá nhân tiêu biểu duy nhất của huyện Nam Đông được chọn giao lưu, trao đổi, báo cáo thành tích về sản xuất kinh doanh giỏi vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Bài, ảnh: Thái Sơn