Khi tôi về làm dâu, ba đã nghỉ hưu nhiều năm. Ấy vậy mà hàng năm, cứ gần đến ngày 20/11 ba không quên nhắc tôi: “Nhớ ủi cho ba cái áo sơ mi trắng để ba đi dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Năm nào cũng vậy, đúng dịp này ba đều nhận được giấy mời dự lễ kỷ niệm từ cơ quan cũ. Sau buổi lễ, bao giờ ba cũng mang về một bó hoa và nhờ tôi cắm vào chiếc bình gốm màu xanh. Ba kể, cái bình này là quà học sinh tặng ngày ba về hưu nên chỉ để dành cắm hoa được nhà trường tặng vào ngày 20/11. Có lẽ, từ sự tri ân của nhà trường dành cho cán bộ hưu trí mà khi ba còn sống, chúng tôi mặc nhiên xem Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày trọng đại nhất trong năm của ba để tất cả con cháu cũng phải biết trân trọng.

Hơn mười năm trước, ba chồng tôi ra đi theo lẽ tự nhiên của cuộc đời. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày trôi qua tưởng cũng chóng vánh, những lo toan cuộc sống khiến con người ta đôi lúc cũng chóng lãng quên những điều thi vị của cuộc sống. Nhưng rồi, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ, các thầy cô giáo trong trang phục veston và áo dài, người ôm quà người cầm hoa vào nhà xin phép chủ nhân để được viếng và thắp nén nhang trước di ảnh thầy giáo, đồng nghiệp cũ của họ. Điều đó đã nhắc nhở chúng tôi đừng quên mình là con em của những cựu giáo chức.

Là con dâu, cũng chẳng phải người trong nghề, nhưng từng là học sinh và đã là phụ huynh, tôi biết và hiểu nhiều về những món quà, cách tặng quà vào dịp 20/11. Từ khi còn là học sinh tiểu học, cả lớp rủ nhau lên đồi Thiên An hái hoa sim về tặng cô giáo chủ nhiệm; rồi đến trung học cơ sở đã biết nhịn quà sáng để góp tiền mua sổ tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam;... Và bây giờ, khi đã là phụ huynh, không chỉ nhắc nhở con phải biết tri ân thầy cô giáo, mà cứ đến dịp này tôi lại cùng các bạn hồi cấp 3 tụ họp để đến thăm thầy, cô giáo cũ.

Cứ nghĩ cảm xúc gì mình cũng từng trải qua. Thế nhưng, mỗi lần đại diện gia đình người quá cố nhận sự tri ân từ các thế hệ cán bộ giáo viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, trong tôi luôn dâng lên cảm xúc khác lạ, chẳng biết tả như thế nào, chỉ biết đó là niềm xúc động trước việc làm nhân văn.

Chỉ là một gói quà không có nhiều giá trị vật chất, nhưng tấm lòng của  các thế hệ cán bộ giáo viên Trường đại học Nghệ thuật Huế không chỉ cho chúng tôi niềm tự hào mà còn giúp chúng tôi biết trân quý nghề cao quý của cha ông mình.

ĐĂNG VIỆT