TS Hà Bích Liên, Giảng viên Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chuyên gia về quy hoạch du lịch: Hai thứ Huế cần tập trung phát triển
Tiềm năng du lịch của Thừa Thiên Huế có thể nói là số 1 của Đông Nam Á chứ không chỉ của Việt Nam. Bởi vì Thừa Thiên Huế hội tụ tất cả những điều kiện có thể phát triển ngành công nghiệp du lịch hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, cũng có những điều khiến người ta ngần ngại. Khi nói đến Thừa Thiên Huế, điều đầu tiên các nhà đầu tư hay hỏi tôi là: “Huế hay bão lắm phải không? Huế hay mưa lắm phải không?”. Thực ra, nếu mình quảng bá tốt thì các nhà đầu tư có thể hiểu hơn về thời tiết của Huế và biến nó thành lợi thế. Những cơn mưa đem đến cho Huế lợi thế phát triển du lịch, tạo ra đặc trưng, sắc thái riêng của một vùng miền, giống như ở Venezia (Ý) chẳng hạn. Nhiều chuyên gia quy hoạch du lịch và phát triển thương hiệu khi đến Huế đã lặng người trước vẻ đẹp, những ưu đãi thiên nhiên dành cho Huế. Rất nhiều người đã so sánh Huế với Venezia. Để phát triển du lịch, đó là một tiềm năng không thể nào chối bỏ. Điều quan trọng nữa là xây dựng thương hiệu. Nếu không chỉ cho người ta biết mình có cái gì thì người ta sẽ không đến.
Cảng Chân Mây cần nâng cấp các dịch vụ để phục vụ du khách |
Để phát triển du lịch, ngoài đường bộ ra, có hai thứ Huế cần tập trung phát triển. Cơ sở hạ tầng của sân bay Phú Bài hiện nay đã đủ đón các hạng máy bay lớn. Phải làm sao để kết nối được với các đường bay quốc tế trực tiếp đến Huế. Để làm được điều này, mong Trung ương có những ưu tiên cho một thành phố du lịch như Huế, ưu tiên mở đường bay, tăng chuyến bay đến Huế. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có Cảng Chân Mây vô cùng tuyệt vời. Bất cứ nhà quy hoạch, phát triển du lịch nào đến Huế cũng thừa nhận Cảng Chân Mây là cảng đẹp nhất Đông Nam Á, có thể trở thành cảng du thuyền. Trước mắt, nếu Cảng Chân Mây có thể trở thành cảng trung chuyển (thuyền dừng lại cảng trong khoảng 6 tiếng rồi đi nơi khác) thì cần có những sản phẩm du lịch để quảng bá cho khách trong thời gian họ lưu lại đây. Ngoài việc cải tạo lại Cảng Chân Mây thành cảng du thuyền thì có thể tổ chức những dịch vụ trên bờ ở gần đó, như: spa, mua sắm, nghỉ ngơi, giải trí, chơi tennis... Nếu tổ chức tốt những dịch vụ trên bờ, Thừa Thiên Huế có thể kết nối với các hãng du thuyền dừng lại lâu hơn. Nếu có thể được, nên thành lập Tổ chức quản lý điểm đến trực thuộc UBND tỉnh, huy động các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, chủ khách sạn, lữ hành cùng tham gia trong tổ chức này. Tổ chức này sẽ điều phối một cách đồng bộ giữa Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn để không có những cạnh tranh không lành mạnh, cùng nhau thống nhất về mặt quản lý và vạch ra lộ trình rõ ràng cho những bước phát triển.
Hiện nay, thời gian khách lưu trú ở Huế vẫn quá ít. Huế nhiều thứ như thế nhưng khách lại bảo không biết đi đâu. Huế nhiều điểm để xem như thế nhưng họ lại bảo chẳng có gì. Đó là câu hỏi rất khó trả lời. Phải chăng là do chúng ta quảng bá kém, tiếp thị kém, xây dựng thương hiệu kém và đặc biệt là chúng ta quản lý kém?
Anh Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển du lịch Vinatravel (TP Hồ Chí Minh): Thiếu nơi mua sắm
Huế là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, Huế vẫn đang thiếu chỗ chơi, chỗ mua sắm. Các quán bar dành cho khách trẻ cũng cần nâng cao chất lượng. Các khu mua sắm còn ít, chỉ có chợ Đông Ba, đi một vòng khoảng 30 đến 60 phút là xong. Ở đây cũng không có nhiều thứ hứng thú với du khách, giá cả khá cao so với bên ngoài. Một trở ngại nữa là khách du lịch đi bằng máy bay rất ngại mua đặc sản Huế mang về. Vì thế, Huế cần nâng cao chất lượng từ dịch vụ lưu trú đến ăn uống. Các điểm mua sắm nên phát huy những đặc sản liên quan đến văn hóa của vùng đất nhiều hơn.
Ông Lê Tân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt Gia: “Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”
Là một doanh nghiệp hoạt động về văn hóa - du lịch, tôi thấy Huế có tiềm năng rất lớn nhưng vẫn chưa khai thác hết. Huế là cái nôi của văn hóa tâm linh nhưng du lịch tâm linh vẫn chưa phát triển mạnh. Bây giờ, di tích gần như bão hòa với khách do vậy cần phải tìm những sản phẩm mới. Ví dụ, những lăng nhỏ nhưng rất giá trị như lăng vua Duy Tân, Thiệu Trị, điện Voi Ré, Hổ Quyền… nếu khai thác sẽ rất thu hút khách. Do vậy, cần có định hướng, chiến lược rõ ràng để tạo sản phẩm mới, thu hút du khách.
Sở VH-TT&DL cần tạo điều kiện nhiều hơn cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ được tiếp xúc với các đoàn Famtrip. Hiện nay, hầu như các “ông lớn” được tiếp cận với các đoàn Famtrip còn những đơn vị vừa và nhỏ rất hiếm khi, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có đủ năng lực, khả năng. Đề nghị tỉnh và Sở VH-TT&DL nên có chính sách cởi mở, ưu đãi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo bước đột phá cho họ phát triển.