Đối tác tham quan Trường cao đẳng Du lịch để định hướng ngành nghề hợp tác
Quản lý tốt chất lượng
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế thông tin, hợp tác quốc tế được nhà trường đẩy mạnh ở lĩnh vực giao lưu học thuật, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Thái; gửi các giảng viên sang các nước để đào tạo chuyên môn cao. Qua nhiều năm, đã có hàng chục giảng viên được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chứng chỉ ở các khóa đào tạo ngắn hạn. Nhờ thế đã giúp tăng chất lượng của đội ngũ giảng viên.
Từ việc hợp tác quốc tế, theo đánh giá của lãnh đạo Trường cao đẳng Du lịch Huế, hiệu quả nhất là về quản lý chất lượng. Các đối tác hỗ trợ về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế, phương pháp đánh giá trong và ngoài, giúp xây dựng bộ công cụ quản lý bằng bộ câu hỏi và tiêu chí, quy trình xử lý trách nhiệm. Trên cơ sở đó giúp nhà trường quản lý bằng hệ thống, đánh giá về công tác giảng dạy, chất lượng sinh viên thực chất hơn, giúp nhà trường lượng hóa và thay đổi nội dung giảng dạy phù hợp hơn.
Trong du lịch sự hợp tác quốc tế là rất quan trọng
Chẳng hạn như Học viện Chisholm (Úc) hỗ trợ chuyên gia sang hướng dẫn cập nhật nội dung, đào tạo và đánh giá năng lực giáo viên theo tiêu chuẩn đào tạo của Chính phủ Úc, đối với hai nghề quản trị resort và hướng dẫn du lịch. Các chuyên gia trực tiếp dự giờ, hỗ trợ tiết giảng mẫu bằng phương pháp giảng dạy hướng tiếp cận dạy học theo năng lực, tiêu chuẩn của Học viện Chisholm. Trao đổi những vấn đề gặp phải trong quá trình dạy học, hướng dẫn và tư vấn cho nhà trường sử dụng các công cụ đánh giá cũng như cách thức đánh giá năng lực của sinh viên.
Mới đây, Trường cao đẳng Du lịch tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện 3 công cụ quản lý chất lượng của dự án GIZ (Đức) tài trợ, là “lần vết sinh viên”, “khảo sát doanh nghiệp” và “quản lý nhà xưởng”. Cô giáo Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, việc áp dụng 3 công cụ quản lý giúp tiếp nhận dễ dàng các thông tin phản hồi của doanh nghiệp và người học về chất lượng đào tạo của nhà trường; sử dụng và vận hành nhà xưởng, phòng thực hành đúng cách, tiết kiệm nhưng hiệu quả cao nhất bằng phương pháp quản lý xưởng 5S: “sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”.
Một lợi thế của sinh viên Trường cao đẳng Du lịch sau khi ra trường là có các kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, đứng trước đám đông, tổ chức các trò chơi vận động… Điều này cũng nhận sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia nước ngoài. Nhà trường vừa tiếp nhận chuyên gia từ WUSC Vietnam, có nhiều năm kinh nghiệm về tổ chức sự kiện và kỹ năng mềm. Trong thời gian làm việc tại nhà trường, các chuyên gia nước ngoài tích cực tham gia vào các hoạt động, giúp nâng cao chất lượng học tiếng Anh của sinh viên và cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cần thiết, bên cạnh những kỹ năng nghề được đào tạo.
Tận dụng lợi thế
“Nhiều năm qua, hơn 80% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Từ năm 2016 đến nay gần như tất cả các sinh viên tốt nghiệp của trường đều tìm được việc làm tại các khách sạn 4-5 sao”, ông Vũ Hoài Phương cho biết. |
Theo ông Vũ Hoài Phương, để hợp tác đạt hiệu quả và lâu dài, quan trọng là xác định được những đơn vị phù hợp, tận dụng các mặt mạnh của nhau và giúp nhau đào tạo được những giảng viên tốt nhất mà đối tác đang cần hoặc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất. Chẳng hạn như Vùng Nouvelle – Aquitaine (Pháp) đang hỗ trợ nhà trường xây dựng Trung tâm diễn giải ẩm thực Huế và mở mã ngành mới về du lịch gắn với di sản.
Mới đây nhất, Trường cao đẳng Du lịch Huế ký kết biên bản hợp tác với Trường đại học Sư phạm Leshan (Trung Quốc). Ông Vũ Hoài Phương cho hay, hợp tác với các trường ở Trung Quốc đã có từ lâu, tuy nhiên, những trường trước đó đều quá tầm với nhà trường, nên sự hợp tác chưa được đẩy mạnh và chưa hiệu quả. Riêng với Trường đại học Sư phạm Leshan nhà trường rất kỳ vọng, bởi trường này đang có những thế mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tạo ra bài giảng bằng công nghệ 3D... Phía Leshan cũng giúp đào tạo MC chuyên nghiệp, chuyên tổ chức những hội nghị quốc tế, công việc mà ngành du lịch rất cần. Theo đó, phía Trường đại học Sư phạm Leshan tư vấn đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giảng viên và gửi các chuyên gia sang giúp. Ngược lại, Trường cao đẳng Du lịch Huế sẽ cử giảng viên sang Trường đại học Sư phạm Leshan giới thiệu, dạy các món ăn cung đình Huế. Đây là điều kiện tốt để đẩy mạnh giao lưu văn hóa ẩm thực, tìm hiểu thị trường du lịch hai bên.
Ông Vũ Hoài Phương chia sẻ, hợp tác quốc tế rất quan trọng trong hội nhập, nhất là với du lịch. Thời gian đến, nhà trường tiếp tục hoàn thiện các bộ công cụ quản lý chất lượng khoa học và bài bản hơn dựa trên nền tảng của các đối tác. Khi kiểm soát chất lượng tốt sẽ cho “ra lò” những sinh viên chất lượng, có chuyên môn tốt.
Bài, ảnh: Đức Quang