Các em nhỏ trong ngày đầu tiên đến trường tại một trường tiểu học địa phương ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh AFP
Tuy nhiên, tờ The ASEAN Post ngày 23/11 cho rằng, trong một môi trường toàn cầu luôn thay đổi, điều quan trọng đối với thế hệ tiếp theo là phải sẵn sàng cho những thách thức có thể hoặc có thể không hiện hữu ngay trong thời điểm hiện nay.
Theo Ủy ban Giáo dục Toàn cầu, những người trẻ tuổi ở các quốc gia đang phát triển, giống như phần lớn khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong những năm tới, nhất là việc làm.
Khoảng 1/2, tương đương 2 triệu việc làm trên thế giới được dự báo sẽ biến mất do tự động hóa đến năm 2030. Ở một số quốc gia, có tới 80% công việc hiện nay có thể bị mất đi.
Đáng chú ý, các nền kinh tế đang phát triển có xu hướng nhạy cảm hơn với tình trạng thất nghiệp do công nghệ gây ra, bởi sự phổ biến của nhiều công việc có tay nghề thấp và có thể được tự động hóa.
Giáo dục giới trẻ
Một cách để nối liền khoảng cách kỹ năng là đảm bảo giáo dục đầy đủ cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, những con số được công bố lại miêu tả một kịch bản đáng lo ngại.
Đến năm 2030, chỉ có 1/2 số người trẻ tuổi ở các quốc gia có thu nhập trung bình và 10% người trẻ tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp sẽ đi đúng hướng để đạt được giáo dục trung học cơ bản. Trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, hơn 27 triệu trẻ vị thành niên nằm ngoài hệ thống giáo dục.
Số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho thấy, 7,2 triệu trẻ em không được đến trường ở cấp tiểu học, 8,5 triệu trẻ em bỏ học ở cấp trung học cơ sở và 18,5 triệu trẻ em không được đi học ở cấp trung học phổ thông.
Nếu những người trẻ tuổi không được giáo dục đầy đủ, họ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với một lực lượng lao động có tay nghề trong tương lai. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lớn những lao động có tay nghề ở các nền kinh tế đang phát triển và phát triển, song song với tình trạng dư thừa lao động ít kỹ năng, nhất là ở các nền kinh tế có thu nhập thấp.
Nếu không có hành động và đầu tư vào giáo dục đúng đắn, dự kiến hơn 1/4 dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn tiếp tục sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2050. Đầu tư vào giáo dục là điều hiển nhiên, bởi giáo dục là một quyền cơ bản của con người và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển lâu dài của một quốc gia.
Giá trị của giáo dục sẽ luôn tiếp tục tăng lên. Khi dân số trở nên có học thức hơn, xu hướng kinh tế, xã hội và nhân khẩu học sẽ được cải thiện hơn.
Xây dựng các kỹ năng
Các dự báo của Liên Hiệp quốc (LHQ) cho thấy, dân số trong độ tuổi lao động trên toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang mở rộng với số lượng khổng lồ 11.000 người lao động mỗi ngày, và đà tăng trưởng này có thể sẽ được duy trì trong 15 năm tới.
Đến năm 2020, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại cho chúng ta những robot tiên tiến và giao thông tự điều khiển, trí tuệ nhân tạo (AI), và học máy, bên cạnh các loại vật liệu, công nghệ sinh học và hệ gen học hiện đại. Trong bối cảnh này, khả năng được tuyển dụng trong một thế giới hiện đại trở nên khó khăn hơn, vì các kỹ năng mới cần được áp dụng.
Việc chuyển đổi cách những người trẻ tuổi học tập sẽ đòi hỏi sự đổi mới, nhiệt huyết, cũng như đầu tư thông qua hình thức đối tác công-tư.
Cải cách giáo dục sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển kiến thức kỹ thuật số và các kỹ năng kỹ thuật, cũng như các kỹ năng mềm. Để đạt được điều đó, 4 kỹ năng của học tập thế kỷ 21, bao gồm kỹ năng giao tiếp (Communication), tư duy phản biện (Critical Thinking), tính sáng tạo (Creativity), và kỹ năng hợp tác (Collaboration) phải được nhấn mạnh.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)