Là chủ trang trại nghệ củ của vùng rú cát Quảng Thái từ nhiều năm nay, song do đầu ra bấp bênh, khi củ nghệ được mùa thì thị trường rớt giá nên năm 2017 ông Trần May quyết định thành lập cơ sở chế biến tinh bột nghệ. Với nguồn vốn ít ỏi, ông đầu tư máy xay nghệ công suất 50kg nghệ củ/giờ, còn lại các công đoạn như rửa, tách bóc củ nghệ, sấy và nghiền đều làm thủ công nên tốn công dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Đầu năm 2018, cơ sở lập đề án KC đề nghị Sở Công thương hỗ trợ máy chế biến tinh bột nghệ và đến tháng 4/2018 đề án được phê duyệt. Máy có tổng mức đầu tư 225 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 90 triệu đồng, bao gồm các thiết bị liên hoàn như máy rửa, tách bóc củ nghệ, máy xay, sấy và máy nghiền tinh bột nghệ công suất 5 tạ củ nghệ/giờ.
Đến tháng 11/2018, Trung tâm KC&Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương đã nghiệm thu và đưa vào hoạt động 17 đề án KC tại 17 cơ sở công nghiệp nông thôn tại các huyện, thị xã và TP. Huế với tổng mức hỗ trợ 950 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ nghiệm thu và đưa vào vận hành thêm 7 đề án với tổng kinh phí KC năm 2018 khoảng 1,5 tỷ đồng. |
Ông Trần May cho biết, sau khi đưa máy chế biến tinh bột nghệ vào sản xuất, cơ sở tiết kiệm hơn một nửa nhân công, đồng thời năng suất tăng gấp 10 lần so với sản xuất thủ công và chất lượng sản phẩm đồng đều hơn trước. Hiện, mỗi tháng cơ sở sản xuất gần 1 tạ tinh bột nghệ, trong đó cung ứng ra thị trường từ 30-50kg, số còn lại dự trữ để cung ứng cho người tiêu dùng quanh năm. Với giá bán từ 350.000đồng- 1 triệu đồng/kg tinh bột nghệ tùy theo hàm lượng tinh, mỗi tháng doanh thu của cơ sở đạt trên dưới 50 triệu đồng, đồng thời giải quyết đầu ra cho sản phẩm nghệ củ của gia đình và người dân trong xã.
Nhằm ổn định đầu ra và mở rộng quy mô sản xuất, sắp tới cơ sở sẽ đăng ký thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu và đầu tư vỏ hộp phù hợp để thu hút khách, tiến tới liên kết với các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở TP. Huế để tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2018, nguồn vốn KC tỉnh đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Quảng Điền 4 đề án KC, trong đó hai đề án đã đưa vào hoạt động, đó là máy đánh bóng gạo của cơ sở xay xát Nguyễn Tùng ở Cụm công nghiệp Bắc An Gia và thiết bị sản xuất tinh bột nghệ của cơ sở Trần May ở xã Quảng Thái; hai đề án chuẩn bị nghiệm thu, đó là thiết bị đóng khuy của Công ty may Huy Long ở xã Quảng Công, máy chế biến ớt bột và tương ớt của HTX Thắng Lợi ở xã Quảng Lợi.
Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền, ông Phan Gia Phú cho rằng, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm nguồn vốn KC tỉnh hỗ trợ từ 2-5 đề án, góp phần giúp các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ thị trường. Riêng năm 2018, vốn KC tỉnh đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho 4 cơ sở, đồng thời huy động các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư gần 800 triệu để trang bị máy móc, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Thanh Hương