Ảnh minh họa: Devdiscourse

Nhờ vào những hỗ trợ thiết thực này, các nước đang phát triển đang dần đi đúng hướng để đạt được mục tiêu quan trọng vào năm 2020 của Liên Hiệp quốc về tăng trưởng xanh và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.

Dữ liệu đánh giá được thực hiện 2 năm/lần của Liên Hiệp quốc chỉ ra rằng, tính đến năm 2016, số tiền ủng hộ từ các nước giàu có và khu vực tư nhân đã vượt quá 70 tỷ USD. Trong đó tài trợ chính phủ chiếm 55 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2 năm trước.

Trước đó, tại các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ diễn ra vào năm 2009, các quốc gia giàu có thống nhất cho đến năm 2020, khoản hỗ trợ sẽ tăng 100 tỷ USD/năm để chung tay trợ giúp các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu chuyển đổi nền kinh tế sang một giai đoạn khác, với tiềm năng tăng trưởng xanh hơn, cùng lúc dễ dàng thích nghi với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Theo nhận định của giới chuyên gia, con số này là một tín hiệu tích cực để tiến đến hoàn thiện các quy tắc được LHQ đưa ra nhằm thiết lập và đi vào áp dụng một hiệp ước toàn cầu về đối phó với biến đổi khí hậu.

Trong một dữ kiện khác có liên quan, Joe Thwaites - một nhà nghiên cứu tại Viện Tài nguyên Thế giới khẳng định: Tài chính khí hậu là “một phần quan trọng”, không thể thiếu trong Hiệp định Paris năm 2015, nhất là khi các nước nghèo đều cần kinh phí để tăng cường nỗ lực giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Về phần mình, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông tin, cho đến thời điểm hiện nay, các nước có thu nhập thấp đóng góp rất ít vào sự gia tăng nồng độ khí nhà kính và không có khả năng giải quyết vấn đề với nguồn lực ít ỏi của mình. Do đó, cộng đồng quốc tế sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy và điều phối các hình thức hỗ trợ tài chính cho các nước có thu nhập thấp hơn. Với nền kinh tế thị trường tiên tiến, việc giúp các nước có thu nhập thấp hơn đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu là một yêu cầu nhân đạo và là chính sách kinh tế toàn cầu quan trọng.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse & Independent)