Ảnh minh họa. Dhaka Tribune

Dựa trên số liệu thu thập từ 136 quốc gia, báo cáo tiền lương toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phát hành ngày 26/11 cho hay, tiền lương toàn cầu chỉ tăng 1,8% trong năm 2017, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2016 và chính thức chạm mốc thấp nhất kể từ vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tổng giám đốc ILO Guy Ryder ghi rõ trong báo cáo: “Vấn đề cần được công nhận một cách rộng rãi lúc này là tăng trưởng tiền lương chậm chạp hiện đang là trở ngại lớn cho tiến trình đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Trong 20 năm qua, mức trung bình tiền lương thực tế đã tăng gấp 3 lần tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển trong khối G20. Trái lại, tỷ lệ này chỉ tăng 9% tại các nước phát triển của khối. Trong đó, lao động Anh có mức tăng trưởng tiền lương thực thế thấp nhất trong số các quốc gia tiên tiến ở G20.

Cũng trong bản báo cáo tiền lương toàn cầu của cơ quan Liên Hiệp quốc, phụ nữ trên toàn thế giới tiếp tục phải chịu cảnh tiền lương thấp hơn khoảng 20% so với đồng nghiệp khác giới. Về vấn đề này, chuyên gia về tiền lương của ILO Rosalia Vazquez-Alvarez thông tin: “Ở một số quốc gia, bất chấp việc phụ nữ có học vấn cao hơn nam giới, khoản thù lao họ kiếm được vẫn thấp hơn, ngay cả khi cả hai cùng làm chung loại hình công việc. Nhìn chung, cách tính toán và chi trả tiền lương dựa trên giới tính vẫn là một hiện tượng không rõ nguyên nhân”. Do đó, chính phủ các nước cần tiến hành xem xét giải quyết càng nhanh càng tốt, đưa thế giới quay lại trục đường chính tiến đến tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)