Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là địa chỉ để học sinh, sinh viên tham quan, học tập về truyền thống

Chưa ấn tượng

Trên cả nước có 13 bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy, hệ thống trưng bày ở một số bảo tàng đã xuống cấp, một số bảo tàng đã đổi mới nhưng chưa toàn diện, chưa tạo được ấn tượng trong lòng công chúng. Theo bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân cho sự vắng khách ở các bảo tàng là do công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa chủ động tiếp cận khách tham quan, mấu chốt vẫn là sự đơn điệu, giống nhau về thủ pháp nghệ thuật, nội dung lịch sử, thiếu vắng các thiết bị hỗ trợ thông tin và cả sự xuống cấp của hệ thống trưng bày vì không đủ kinh phí để duy trì.

Nội dung trưng bày tại các Bảo tàng Hồ Chí Minh trên toàn quốc cơ bản đều tuân thủ theo 8 chủ đề về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị phê duyệt nên bị trùng lắp. Hệ thống trưng bày vẫn theo quan điểm truyền thống, chủ yếu dựa theo biên niên thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương. Trong khi đó, nét đặc trưng riêng vùng miền ở các bảo tàng còn mờ nhạt, không gian tương tác với công chúng hầu như không có, trang thiết bị để phục vụ trưng bày chưa đạt chuẩn.

Bà Phùng Thị Tú Anh, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh cho hay: “Nhiều trưng bày chuyên đề ở Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn còn khô khan, mang nặng yếu tố chính trị và tuyên truyền, thiếu tính kết nối cộng đồng. Việc thiết kế trưng bày chưa thực sự hấp dẫn, chưa có nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm và các hoạt động giáo dục. Hoạt động marketing cho các trưng bày còn lỏng lẻo, chưa thu hút được nhiều tầng lớp công chúng”.

Theo TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, đổi mới trưng bày là vấn đề sống còn để khẳng định vị trí, tầm quan trọng của các bảo tàng trong đời sống xã hội, đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng, di tích đang lưu giữ để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội.

Không chỉ xem và nghe, công chúng cần được tương tác với hiện vật

“Thổi hồn” vào hiện vật

Muốn đổi mới trưng bày, các bảo tàng cần phải thay đổi tư duy khi xây dựng nội dung trưng bày, định hướng tiếp cận để phát triển nội dung theo biên niên lịch sử kết hợp với tiếp cận theo nhân học, văn hóa học, xã hội học… Từ đó, xâu chuỗi thành một hệ thống trưng bày đa chiều, phản ánh sâu sắc về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trên phương diện là một lãnh tụ mà còn là một nhà văn hóa lớn. Bà Thùy Chi nhấn mạnh: “Khi xây dựng nội dung cần phải xây dựng thông điệp rõ ràng, các chủ đề trưng bày được cân nhắc, chọn lọc kỹ càng từ tên của chủ đề, tư liệu, hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện… Trong đó đề cao tiếng nói của các nhân chứng lịch sử, chủ nhân của hiện vật. Từ đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa sâu sắc trong bản sắc văn hóa, tình cảm của Nhân dân từng vùng miền, nội dung trưng bày cũng sống động, chân thực hơn”.

Nếu như trước đây, quan điểm nghiên cứu, sưu tầm thường chỉ hướng đến những vấn đề thuộc về quá khứ thì nay đã có sự thay đổi: quá khứ phải luôn gắn với vấn đề đương đại. Nhân vật, hiện vật phải luôn gắn với chủ thể văn hóa, với cộng đồng và mang hơi thở cuộc sống. Bà Tú Anh chia sẻ kinh nghiệm khi Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Đi qua cuộc chiến”: “Nhóm nội dung đã gặp gỡ, chụp ảnh, ghi hình, phỏng vấn 64 nhân chứng khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đây là lần đầu tiên, khi thực hiện một cuộc trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp nhân học với sự tham gia của cộng đồng. Đó chính là những thương binh, gia đình, người thân và bạn bè của họ kể các câu chuyện liên quan đến chủ đề, đóng góp hiện vật, tài liệu”.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Khoa Du lịch, Đại học Huế đề xuất, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nên tập trung nguồn lực để sớm gặp các nhân chứng còn sống liên quan đến hiện vật đang trưng bày để ghi lại hình ảnh và lời kể của họ, như nữ anh hùng Kan Lịch với chiếc radio Bác tặng, để thay cho việc thuyết minh những hiện vật đó.

Để các Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh ở các địa phương thực sự đổi mới, khâu thiết kế, đồ họa, ứng dụng công nghệ phải được làm đồng bộ trong toàn tuyến trưng bày, với cách tiếp cận nội dung mới, lấy hiện vật và thông tin về hiện vật làm trung tâm. Ý tưởng trưng bày và chất lượng thẩm mỹ phải phù hợp với nội dung, dẫn dắt nội dung trưng bày, tôn vinh hiện vật. Trong thiết kế mỹ thuật trưng bày, kết hợp nhuần nhuyễn các hình thức nghệ thuật trưng bày để “thổi hồn” vào hiện vật, làm cho nó như được sống lại trong thời khắc lịch sử đã qua.

Nhu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày để hỗ trợ chuyển tải các thông điệp của bảo tàng đến với khách tham quan ngày càng bức thiết. Khách tham quan không chỉ xem và nghe mà còn muốn được khám phá, trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động của bảo tàng. Các bảo tàng có thể mô phỏng các hiện vật bằng phương pháp in 3D để khách tham quan có thể dễ dàng tiếp cận, hay tạo không gian ảo để người xem tương tác với câu chuyện lịch sử.

Bài, ảnh: Minh Hiền