Du khách có thể phân loại rác nhờ mỗi điểm thu gom đều có 3 thùng rác khác nhau

Vừa ổn định chỗ ngồi trên xe, sau khi giới thiệu hướng dẫn viên (HDV) người Singapore, HDV Việt Nam Nguyễn Thành Trung nhắc nhở vội mọi người như sợ nếu không sẽ muộn “Xin quý khách lưu ý, không được thả bất cứ loại rác gì trên xe. Đây là nguyên tắc! Vì xe buýt chở khách du lịch ở đây chỉ tổng dọn vệ sinh sau khi kết thúc tour để bảo đảm giữ tài sản nếu có trường hợp ai đó đánh rơi trang sức hoặc tiền...”. Trung nhấn mạnh thêm: “Hút thuốc nơi công cộng phạt 500 đô la Singapore (SGD), nhổ kẹo cao su lên thùng rác 250 SGD, nhổ xuống đường 500 SGD... “Bất cứ ai vi phạm cũng đều bị phạt. Không có trường hợp ngoại lệ nên mong quý khách cẩn thận!”.

Lúc đó là 1 giờ sáng theo giờ địa phương, nhưng đường phố sáng choang nhờ hệ thống đèn đường hiện đại và quy mô giúp chúng tôi có điều kiện quan sát và cảm nhận được sự trong lành của những con đường không rác thải dù ngay từ khi bắt đầu xây dựng đất nước Singapore, định hướng phát triển của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra là “Thành phố nằm trong lòng công viên”.

Chợt nhớ về những thanh niên tình nguyện của chúng ta vất vả biết bao với những đợt ra quân tháo bỏ, xóa... những tờ quảng cáo dán, viết chi chít trên các bức tường, trên cây cổ thụ...; để rồi ngay tức khắc những hình ảnh xấu xí ấy lại xuất hiện chỉ bởi sự thiếu ý thức, không tôn trọng môi trường của một số người. Tôi hỏi Trung: “Bằng cách nào người ta triệt để được tình trạng dán quảng cáo bậy”. HDV này trả lời nhanh: “Bây giờ là ý thức chị ạ!”. Nhân đây, Trung kể cho cả đoàn nghe về chế tài cho hành động này nhiều chục năm trước ở đất nước này là ngoài phạt hành chính thật nặng còn có chế tài về hình sự dành cho đối tượng này.

Trưa ngày thứ hai của cuộc hành trình, mọi người mệt lả sau một buổi lang thang trong khu vườn nhân tạo. Địa điểm ăn trưa được thông báo trước là một nhà hàng buffet, HDV lại nhắc nhở trước: “Xin quý khách lưu ý, nhà hàng này sẽ phạt khách hàng của mình với mức 5 SGD/lạng thức ăn thừa” khiến ai cũng thấy căng thẳng; nhưng, nhờ được nhắc nhở đã không ai bị phạt và cũng chẳng bị áp lực. Trên đường đi, có cô bé chừng 20 tuổi cùng đoàn tặc lưỡi: “Đến giờ vẫn chưa thấy một cảnh sát Singapore. Không biết sắc phục của họ như thế nào?”. Jonh, HDV người Singapore giải thích: “Mọi hoạt động của người dân, kể cả việc thu phí giao thông đều được kiểm soát thông qua camera. Ai vi phạm đến lần thứ ba sẽ đưa ra tòa”.

Dường như sự trang nghiêm của nước bạn đã thấm vào ý thức của mỗi người khách đến đây. Tại vườn cây nhân tạo, một cậu bé chừng 12 tuổi, ăn xong cây kem cứ loay hoay mãi, hiểu được ý con trai, người mẹ hỗ trợ bằng cách tìm và chỉ một thùng đựng rác cách đó khá xa để cậu bé cầm vỏ kem đến bỏ vào thùng như một việc tất nhiên. Ở Singapore, hầu hết các điểm thu gom rác đều có 3 chiếc thùng, trước mỗi thùng có ghi rõ loại rác bằng tiếng Anh để phân loại rác tại chỗ. Trước giờ lên máy bay, chốt lại những điều mình giải thích suốt 3 ngày, Trung khẳng định, ở Singapore chỉ có luật mà không có lệ. Bất cứ ai vi phạm đều phải chịu phạt theo luật đề ra, không cả nể, không xem xét, không nương tay... để cả dân tộc đồng lòng bảo vệ môi trường.

Từ một đảo quốc không đất đai, không tài nguyên, không di sản... chỉ là mọi sự tính toán của nước bạn đều ưu tiên cho môi trường, bằng những nguyên tắc riêng nước bạn đã được thành công là đã có môi trường sạch nhất thế giới. Đây là điều mà chúng ta cần học hỏi.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN