Một dây chuyền sản xuất gỗ xuất khẩu. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 11 tháng ước đạt 6,398 tỷ USD. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm đạt 9,3 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Đáp ứng nhu cầu sản xuất, trong tháng 11, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc đạt khoảng 21.000 ha, tương ứng sản lượng 1,51 triệu m3. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khai thác rừng trồng ước đạt 17 triệu m3 (bằng 92% kế hoạch năm 2018), tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, trong 11 tháng, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường chủ yếu gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, kết quả trên có được nhờ sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã đạt nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế. Lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường.

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo hướng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, thẩm mỹ đáp ứng cả những thị trường khó tính trên toàn thế giới, hạn chế xuất khẩu thô. Ngành trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết, thời gian tới, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế-xã hội và môi trường; trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế. Hiệp định sẽ góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh và thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các các nước ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… Điều này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020.

Theo TTXVN