Mỗi người sẽ mất 1,8 năm tuổi thọ trung bình do ô nhiễm không khí. Ảnh: Devdiscourse

Cụ thể, người dân Ấn Độ sẽ sống lâu hơn 4,3 năm nếu quốc gia này đáp ứng các chỉ tiêu hướng dẫn toàn cầu về ô nhiễm không khí dạng hạt. Theo một nghiên cứu, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến đời sống thậm chí còn nghiêm trọng hơn HIV/AIDS, khói thuốc lá hay khủng bố.

“Hiện nay trên thế giới, mọi người đang hít thở bầu không khí chứa rất nhiều mối hiểm họa nghiêm trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, tác động từ vấn đề này thường rất khó nhìn thấy. Do đó, tôi và các đồng nghiệp đã phát triển chỉ số AQLI trong đó L là chữ viết tắt của life (cuộc sống) nhằm mục tiêu giải quyết những vấn nạn này”, Michael Greenstone, giáo sư tại Viện Nghiên cứu chính sách năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) chia sẻ.

Được biết, AQLI đã rút ra kết luận dựa trên các biện pháp phân tích định lượng mối quan hệ nhân quả giữa việc con người tiếp xúc lâu dài với khói bụi, ô nhiễm và tuổi thọ trung bình.

Đến nay, ước tính có khoảng 75% dân số thế giới, tương ứng với khoảng 5,5 tỷ người đang sinh sống trong khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn so với giới hạn mà WHO đưa ra.

Bằng việc lấy đi của mỗi người 1,8 năm tuổi thọ, AQLI xác nhận ô nhiễm không khí là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của toàn nhân loại. Điều này thể hiện rõ nhất khi con người có thể ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, song rất khó để thoát khỏi ảnh hưởng của bầu không khí ô nhiễm.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)