Giờ cao điểm ở Jakarta, Indonesia – một trong những nền kinh tế mới nổi của châu Á. Ảnh: Simon Roughneen

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhờ sự tăng trưởng mức lương cao tại các nền kinh tế châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, mức lương của người lao động trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, bao gồm Indonesia và Ấn Độ, đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ tính từ sau khủng hoảng tài chính châu Á.

Sự chênh lệch mức lương giữa các nước phát triển như Nhật Bản - nơi tiền lương giảm 0,4% trong năm ngoái - và các nước kém phát triển hơn ở châu Á, một phần là do các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh hơn và lạm phát thấp hơn so với nhóm nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Âu và Trung Đông.

Hàn Quốc có thể được coi là trường hợp ngoại lệ khi mức lương tại nền kinh tế giàu có ở châu Á này đã tăng khoảng 15% kể từ năm 2008. Sự gia tăng này giúp Hàn Quốc vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế phát triển có mức lương tăng trưởng nhanh nhất trong 1 thập kỷ qua.

ILO nhấn mạnh: “Phản ánh sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với các khu vực khác, công nhân ở các nước thuộc khu vực châu Á và Thái Bình Dương được hưởng mức tăng lương cao nhất so với tất cả các vùng và lãnh thổ khác trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2017, dẫn đầu là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam”.

Mặc dù lương tăng và ngành dịch vụ được mở rộng ở châu Á, hàng triệu người vẫn làm việc không chính thức hoặc trong các doanh nghiệp nhỏ như cửa hàng ven đường này ở Jakarta. Ảnh: Simon Roughneen

Theo một phân tích khác của Credit Suisse, nhóm các nền kinh tế mới nổi tại châu Á sẽ đóng góp khoảng 55% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dù nền kinh tế và mức lương tại các nền kinh tế mới nổi châu Á tăng trưởng nhanh, thì mức lương tổng thể ở các nước phát triển vẫn cao hơn nhiều. Theo đó, “khi chuyển đổi tiền lương trung bình ở các nước G20 sang USD bằng cách sử dụng công thức tính ngang giá sức mua (PPP) sẽ cho ra số lương trung bình 3.250USD/tháng, còn tại các nền kinh tế mới nổi đạt khoảng 1.550USD/tháng”.

Và mặc dù tiền lương đang tăng trưởng nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi, vẫn tồn tại những khác biệt trong thị trường việc làm của các nước phát triển và đang phát triển. Trong khi mức tăng trưởng tiền lương tại Mỹ chỉ là 1% trong năm ngoái, nhưng thị trường lao động Mỹ gần đạt đến trạng thái việc làm hoàn chỉnh, với tỷ lệ thất nghiệp hiện nay chỉ 3,8%.

ILO cho rằng, trong số 3,3 tỷ người lao động ước tính trên toàn thế giới, chỉ có 54% được trả lương, mặc dù con số này đã tăng hơn 700 triệu so với 25 năm trước.

Mặc dù tiền lương tại các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á đang tăng nhanh hơn nhiều so với các nước khác, nhưng trong năm ngoái, mức tăng trưởng tiền lương ở khu vực này thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2016, với mức tăng 4,8%. Điều này phần nào thể hiện sự bất ổn xuất phát từ tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của khu vực.

Ngoài ra, những tác động không mong muốn của việc robot và tự động hóa có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động của châu Á, trong đó ngành sản xuất sẽ chịu nhiều tác động nhất.

Ông Sameer Khatiwada - một nhà kinh tế học thuộc Phòng Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định rằng, "với việc tự động hóa và sử dụng công nghệ mới ngày càng tăng, nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao cũng sẽ tăng theo. Đây cũng là những công nhân sẽ kiếm được mức lương tốt hơn, làm tăng sự chênh lệch giữa những lao động có tay nghề thấp và lao động tay nghề cao".

Tố Quyên (Lược dịch từ Nikkei)