Ông Trương Thanh Hùng, chuyên gia cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Sáng lập điều hành FiNNO
Ông Trương Thanh Hùng cho rằng: “Giới trẻ Huế không thua kém các tỉnh, thành lớn khi bước ra thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp. Điều quan trọng là phải thay đổi tư duy để chủ động hơn”.
Tham gia hỗ trợ phong trào KNĐMST nhiều địa phương và làm giám khảo nhiều cuộc thi, ông đánh giá thế nào phong trào này trong giới trẻ Huế?
Bức tranh về phong trào KNĐMST cả nước khởi động rõ nét từ năm 2015, còn ở Huế từ năm 2016 cũng bắt đầu khởi động. Tôi đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Huế từ tháng 4/2016 trong khuôn khổ một dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế và Công ty CoPLUS thực hiện dưới sự hỗ trợ của chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan. Đây là chương trình đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ sinh thái KNĐMST tại Thừa Thiên Huế.
Cuộc thi liên quan “Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế 2016” lần đầu tiên được tổ chức là một trong những hoạt động của dự án này cũng là cơ sở để đo lường phản ứng của giới trẻ Huế đối với phong trào KNĐMST. Mùa đầu tiên, tuy mới mẻ song nhìn vào kết quả, tôi thấy rất thành công, các bạn trẻ đâu đó đã tích lũy đam mê khởi nghiệp và khi có sân chơi, họ bộc lộ được khát khao cũng như năng lực khởi nghiệp của mình, trong đó có nhiều ý tưởng do chính các sinh viên nghĩ ra và theo đuổi. Kết quả của cuộc thi không chỉ dừng lại ở giải thưởng, mà đến nay đã có những bạn trẻ đạt được những bước đột phá ấn tượng, như các nhóm dự án: I Love Hue Tour (đã mở rộng ra khu vực châu Á), Tayta, nông nghiệp đô thị, thuốc trừ sâu thảo dược…
Nhiều ý kiến hoài nghi về thành công của phong trào KNĐMST trong giới trẻ ở Huế, khi mà môi trường ở nhiều tỉnh, thành lớn thuận lợi hơn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khởi nghiệp, nhưng không phải đóng vai trò quyết định. Tôi cho rằng, KNĐMST phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của chính người muốn khởi nghiệp và sự dẫn dắt của cố vấn. Ví dụ ở TP. Hồ Chí Minh có môi trường rất năng động, nhưng nhìn vào các điển hình khởi nghiệp sáng tạo thành công trong những năm gần đây, như giao hàng nhanh, vé xe rẻ… thì sẽ thấy rõ thành quả của các bạn đạt được chủ yếu đến từ nỗ lực bản thân chứ không phải phụ thuộc vào các yếu tố hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp tại đó.
Nhóm sinh viên thực hiện dự án Leafpic Pro - ứng dụng xác định thừa thiếu đạm cho cây trồng trên smartphone
Sân chơi của KNĐMST hướng đến thị trường toàn cầu, ở đâu cũng có thể khởi nghiệp miễn là bạn có khả năng mang lại những giá trị ưu việt hơn cho khách hàng thông qua việc giải quyết các vấn đề họ đang gặp phải.
Tất nhiên, ở thành phố nhỏ lượng cung đầu vào của các bạn khởi nghiệp sẽ hạn chế hơn, cộng thêm các nguồn lực kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, sân chơi, sự kiện khởi nghiệp để các bạn phát triển kỹ năng, kiến thức ít hơn. Nhưng mục tiêu cuối cùng của KNĐMST phải mở rộng ra khỏi khu vực và nếu có quyết tâm vẫn có thể làm được.
Nếu tính tỷ lệ giới trẻ Huế thành công xuất phát từ các cuộc thi KNĐMST so với hai đầu đất nước thì Huế không có sự khác biệt lớn. Theo dõi các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại các thành phố lớn, sẽ thấy số lượng startup có chất lượng không nhiều và tình trạng gặp đi gặp lại các startup đó ở nhiều cuộc thi khác nhau.
Nhiều người nói Huế khởi động hệ sinh thái khởi nghiệp muộn so với hai đầu đất nước. Theo tôi, khởi động muộn lại là một lợi thế do có thể học hỏi kinh nghiệm đã được kiểm chứng từ các địa phương đi trước và tận dụng được các nguồn lực hỗ trợ đã được nhận diện.
Nhưng số lượng người trẻ tham gia phong trào KNĐMST ở Huế vẫn chưa nhiều. Lý do tại sao, thưa ông?
Cái khó nhất trong KNĐMST là năng lực nhận thức, tư duy của mỗi cá nhân. Vì nhiều lý do, người ta nói sự thụ động của người Huế vẫn còn khá cao.
Với nhóm đối tượng sinh viên, bức tranh chung cả nước thì các sân chơi khởi nghiệp của sinh viên hiện tại chủ yếu mang tính khuyến khích tinh thần tự chủ, dám nghĩ dám làm, chưa có nhiều sân chơi mang tính ươm tạo chuyên nghiệp để biến các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên thành sản phẩm có khả năng thương mại hóa trên thị trường.
Phần lớn các bạn trẻ nói chung và ở Huế nói riêng đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi suy nghĩ ra trường phải kiếm được một việc làm ổn định, không nghĩ đến lựa chọn khác là khởi nghiệp làm chủ chính cuộc đời mình. Không có tư duy đó nên các bạn không dám làm.
Thay đổi tư duy của giới trẻ cần quá trình lâu dài, trong đó vai trò của nền giáo dục là cực kỳ quan trọng. Tôi thấy, Đại học Huế đang nỗ lực thúc đẩy KNĐMST trong sinh viên khá nhanh và đang đi đúng hướng. Song cần phải có thêm thời gian, mới triển khai gần một năm chưa thể thay đổi nhận thức của sinh viên. Đây là một việc làm đúng như tinh thần của Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hỗ trợ học sinh/sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.
Các cuộc thi khởi nghiệp vừa qua, nhiều bạn trẻ cùng chọn công nghệ thông tin và lĩnh vực du lịch. Điều này có gây ra sự giẫm đạp dẫn đến nguy cơ thất bại?
KNĐMST có thể diễn ra trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 4.0 và Huế lại có thế mạnh về du lịch nên hai mảng ngành nghề này được nhiều người lựa chọn là điều dễ hiểu. Tất nhiên, trong lĩnh vực nhiều người cùng tham gia, thì phải nổi bật hơn. Điều đó giải thích tại sao yêu cầu đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đối với các dự án khởi nghiệp hiện nay, không chỉ ở hai lĩnh vực trên mà còn với tất cả các lĩnh vực khác.
Tìm ra một ngành nghề hay lĩnh vực gì chưa ai từng làm trong xã hội hiện nay rất khó, do vậy theo tôi chọn lựa làm gì không quan trọng bằng làm việc đó như thế nào. Muốn vượt lên dẫn đầu trong cuộc đua, các bạn trẻ nên chú trọng phát triển những sáng tạo đột phá mang lại giá trị vượt trội hơn cho khách hàng. Để làm được điều đó thì không thể không xuất phát từ thế mạnh riêng biệt của từng người. Bắt đầu từ thế mạnh của mình chính là một trong những nguyên lý căn bản trong khởi nghiệp sáng tạo.
Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi tham gia khởi nghiệp?
Theo tôi, phải hiểu và tận dụng thế mạnh bản thân. Xem lĩnh vực nào mình hiểu biết sâu và có thể làm tốt hơn người khác. Tốt hơn ở đây được hiểu là có thể mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng của mình. Không có cái gì trên thế giới này hoàn hảo cả. Tư duy như thế thì các bạn sẽ nhìn được cái gì cũng còn có vấn đề để giải quyết - đó chính là cơ hội để khởi nghiệp.
Mọi lời khuyên, kể cả từ các chuyên gia đều nên tham khảo vì đó là kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế của họ, nhưng lưu ý đó chỉ là thông tin tham khảo mà thôi. Những thông tin đó chỉ có thể trở thành tri thức của bạn khi được kiểm chứng bởi chính bạn, bởi vì chúng có thể đúng với người này mà không đúng với người khác, mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh khác nhau.
Bên cạnh đó, các bạn cần tham gia các chương trình đào tạo về KNĐMST, vừa giúp cung cấp một cái nhìn tổng quan về hành trình khởi nghiệp cũng như các kiến thức, kỹ năng, công cụ và đặc biệt là phương pháp tư duy sáng tạo mà các bạn cần được trang bị trước khi bắt tay vào hành trình làm chủ cuộc đời.
Ngoài ra, cũng nên tham gia nhiều sự kiện hoặc cuộc thi về KNĐMST để trải nghiệm, học hỏi phát triển năng lực bản thân. Ngay trong quá trình tham gia, các bạn đã được đào tạo và cố vấn rất nhiều, tư duy sẽ thay đổi hẳn, từ đó sẽ có những chuyển biến tích cực trong nhận thức tạo nền tảng căn bản cho con đường lập nghiệp của mình về lâu dài…
Xin cảm ơn ông!
Hữu Phúc (thực hiện)