Hội nghị có sự tham gia của  ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT; ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Phó Trưởng ban thường trực BCH PCTT&TKCN Bộ Công thương. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị

Giảm ngập lụt

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã và đang đạt được về công tác vận hành liên hồ chứa; nguyên nhân, các tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa. Từ đây, các địa phương đề xuất các giải pháp điều hành hệ thống liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng nguồn nước, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao khả năng dự báo, tính toán dòng chảy và xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó vùng hạ du sát với thực tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, sự gia tăng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó có hồ chứa (thủy điện, thủy lợi) đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề thách thức, khó khăn mới cho công tác chỉ đạo điều hành liên hồ chứa để đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Hiện, khu vực miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có tổng số 2.393 hồ chứa thủy lợi các loại. Trong đó, Hồ Cửa Đạt, Tả Trạch là 2 hồ quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Với địa hình phần lớn là các đồi núi dốc, các sông ở miền Trung thường ngắn, dốc, mỗi khi có mưa lớn thường tạo thành dòng chảy tập trung nhanh, cường suất lớn. Vì thế, các hồ chứa nước đóng vai trò hết sức quan trọng tham gia điều tiết làm chậm lũ, hạn chế ngập lụt đảm bảo an toàn cho vùng hạ du hồ chứa nước.

Riêng Thừa Thiên Huế, tính đến thời điểm năm 2018, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2tỷ m3. Ngoài ra, trên địa bàn đang triển khai thi công 7 thuỷ điện, với tổng công suất lắp máy 112,5 MW gồm: A Lin B1, A Lin B2, A Lin Thượng, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Sông Bồ và Thượng Nhật. Ngoài cung cấp năng lượng phát điện, các hồ đã phát huy nhiệm vụ cắt lũ tiểu mãn, lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tạo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Nâng cao năng lực dự báo cảnh báo thiên tai

Theo đại diện Tổng cục Thủy lợi, để chủ động ứng phó với mưa, lũ, Tổng cục đã tiến hành rà soát toàn bộ hiện trạng các hồ chứa nước, lập danh sách các hồ chứa nước xung yếu, trọng điểm bảo đảm an toàn. Tranh thủ thời gian khi chưa có mưa trước bão, chủ động vận hành hạ thấp mực nước, tránh xả lũ gây ngập, lụt nhân tạo ở vùng hạ du. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đầu mối, đặc biệt đối với các hồ chứa xung yếu, hồ chứa có cửa van.

 

Nhà máy Thủy điện Hương Điền

Năm 2017, chỉ tính riêng các hồ Tả Trạch (lưu vực sông Hương), Nước Trong (lưu vực sông Trà Khúc), Định Bình (lưu vực sông Kôn – Hà Thanh) và hồ Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) đã cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu m3 trong tổng số 1,27 tỷ m3 nước về hồ, chiếm tỷ lệ gần 50%, góp phần giảm ngập lụt đáng kể cho hạ du, giữ được an toàn cho công trình đầu mối. Trong đó, hồ Tả Trạch tại thời điểm lớn nhất, đã cắt giảm được lưu lượng đỉnh lũ 4.900 m3/s (bằng 90% lưu lượng đến hồ). Theo tính toán sơ bộ, việc vận hành hồ Tả Trạch giúp giảm ngập lụt cho TP. Huế được hơn 60cm.

Theo ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Phó trưởng ban thường trực BCH PCTT&TKCN Bộ Công thương, trước sự biến đổi khôn lường của thời tiết, việc vận hành hệ thống lưu vực sông làm sao cho tối ưu là vấn đề quan trọng. Trong đó, cần tính toán chính xác lượng nước về hồ từ đó có quyết định, điều hành xả lũ an toàn nhưng vẫn đảm bảo lượng nước tại hồ phục vụ cho phát điện. Vì thế, công tác dự báo cực kỳ quan trọng giúp hài hòa giữa vấn đề môi trường, xã hội và phát triển kinh tế.

Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng chia sẻ, địa phương đang triển khai dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Vận hành ở hồ Truồi

Ông Phương đề xuất, những năm hạn hán, thiếu hụt nguồn nước, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam không huy động các nhà máy thủy điện tham gia thị trường điện mà ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dòng chảy môi trường.

Việc triển khai xây dựng các kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lũ hạ du cho toàn bộ lưu vực sông Hương do sự cố vỡ đập rất phức tạp, kinh phí lớn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương chỉ đạo các chủ đập phối hợp với địa phương để bố trí kinh phí và chọn tư vấn đủ năng lực thực hiện. Các chủ đập quan tâm đầu tư các thiết bị quan trắc, bố trí và đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định. Đề nghị Tổng cục Khí tượng Thủy văn quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo phục vụ vận hành hồ.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm vận hành, trị thủy tại Nhật Bản; công tác phối hợp trong vận hành hồ chứa thủy điện của một số địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến thức; kỹ năng về công tác ứng phó bão, lũ cũng được các đại biểu chia sẻ góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bài, ảnh: Hoàng Loan