Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu học thể dục tại công viên dọc đường Lê Lợi . Ảnh: Hữu Phúc

Thuận đâu học đó

Giờ tập thể dục của học sinh khối 8 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu  (TP. Huế) diễn ra ở công viên dọc đường Lê Lợi. Từng tốp học sinh mặc đồng phục thực hiện các động tác đá cầu. Mùa này, mưa nắng thất thường, hễ có trận mưa rào là các em lại nháo nhác tìm chỗ trú mưa. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn thể dục. Thầy giáo Hồ Phúc Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho biết, do nhà trường chưa có nhà đa năng nên học sinh ở khối 8 và 9 phải học thể dục ở công viên, còn khối 6 và 7 thì nhà trường mượn sân Nhà văn hóa thiếu nhi cho các em học. Tuy nhiên, mỗi khi trời mưa các em phải nghỉ học, còn trời nắng, cả thầy và trò đều phải “rèn luyện” thể thao dưới cái nắng gay gắt, khó chịu”.

Thừa nhận tầm quan trọng của môn giáo dục thể chất và đưa môn thể dục vào trường học ngay từ mẫu giáo, thế nhưng thực chất các giờ tập thể dục trong trường học hiện chỉ mang tính hình thức và chưa thu hút học sinh. Trao đổi với một số giáo viên dạy thể dục đều cho rằng, đa số học sinh không thích môn thể dục vì quá đơn điệu. Thế nên, môn này vẫn bị xem là môn “phụ” với 1 - 2 tiết/tuần cùng các bài tập nhàm chán.

Chị Trần Thị Mỹ, có con học ở một trường THCS trong thành phố, nhận xét: “Hiện nay, các tiết thể dục trong hầu hết các nhà trường vẫn giữ nguyên hình thức tập luyện như thời chúng tôi đi học cách đây mấy chục năm. Đáng lý, các trường có thể cập nhật môn thể dục như Aerobic hoặc các điệu nhảy sôi động mới thu hút học sinh tham gia các tiết học này”.

Cần làm ngay

Tình trạng thiếu nhà đa năng để học sinh rèn luyện và sinh hoạt diễn ra ở hầu hết các trường trên địa bàn toàn tỉnh. Do chưa có nhà đa năng nên học sinh vẫn học các môn chạy bộ, cầu lông, nhảy xa… ở sân trường. Điều này rất bất tiện và ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập nhất là vào mùa mưa. “Nhà đa năng là nơi lý tưởng để hoạt động ngoại khóa mà không phụ thuộc thời tiết. Nhà đa năng thực sự cần thiết bởi các em có thêm địa điểm để học kỹ năng  sống, tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian”. Thầy giáo Nguyễn Bá Nhân, Hiệu trưởngTrường THCS Phong Hòa (Phong Điền) nói.

Nhà đa năng là một trong những tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều trường chỉ đủ sức nâng tầng, thêm phòng học và gặp nhiều khó khăn trước sức ép của việc tăng học sinh. Thế nên, thiếu quỹ đất, thiếu vốn khiến nhà đa năng trở thành tiêu chí “xa xỉ” khó thực hiện được trong trường học. Trong khi, chủ trương của ngành giáo dục là phát triển thể thao học đường, muốn tạo ra những vận động viên nòng cốt, kế thừa đi lên từ trường học.

Xây dựng sân tập, sân chơi thể thao, hồ bơi trong các trường học là việc nên làm. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế, cần có sự liên kết đầu tư để xây dựng thêm các nhà đa năng tại các trường. Trong lúc các trường thiếu nhà đa năng cho học sinh học thể dục thì một số trung tâm văn hóa- thể thao tại các địa phương chưa hoạt động tốt. Do vậy, cần có sự phối hợp giữa ngành GD&ĐT và ngành văn hóa- thể thao để phát huy, tận dụng công năng của các công trình này phục vụ cho việc học tập của các em.

Huế Thu