Nguồn: AP
Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, G20 đánh dấu 10 năm diễn đàn được nâng cấp, từ một nhóm quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng 19 nước có nền kinh tế quy mô lớn và Liên minh châu Âu (EU), trở thành diễn đàn cấp cao nhất, nơi các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra những quyết sách có tác động mạnh mẽ tới hệ thống kinh tế, tài chính và thương mại toàn cầu.
Bởi vậy, hội nghị thượng đỉnh năm này được ví như một cột mốc để nhìn lại những gì G20 đã làm được trong thập niên qua, cũng như để G20 khẳng định lại vai trò là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cạnh tranh địa chính trị gia tăng như hiện nay.
Cách đây một thập niên, vào tháng 11/2008, giữa “vực thẳm” của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nguyên thủ các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới đã gặp nhau như những đối tác bình đẳng, bằng chứng hùng hồn nhất của chủ nghĩa đa phương.
Với các thành viên đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% GDP toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế, G20 có khả năng hoạt động năng động hơn và không bị ảnh hưởng bởi các khối chính trị từng làm tê liệt Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với G20 ngày nay chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng những chính sách đơn phương.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017 với chính sách “Nước Mỹ trước tiên,” những chia rẽ giữa các nền kinh tế trong G20, đặc biệt giữa Mỹ và các nước EU chủ chốt, bắt đầu bộc lộ rõ…
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Hamburg, ông Trump đã “đi ngược chiều” với 19 lãnh đạo còn lại, khi không chịu phản đối chủ nghĩa bảo hộ hay không ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khiến cuộc gặp này trở thành một trong những cuộc đối đầu căng thẳng nhất từ trước tới nay giữa các lãnh đạo G20.
Cuộc “hội ngộ” giữa Tổng thống Trump với các lãnh đạo khác của G20 tại Buenos Aires sắp tới được dự báo cũng sẽ không kém phần căng thẳng, trên "phông nền" thất bại của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở Canada hồi tháng Sáu vừa qua, hay những bất đồng tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea tháng 11 vừa qua, khiến các lãnh đạo không thể thông qua tuyên bố chung.
Xung đột thương mại leo thang mà đỉnh điểm là cuộc chiến thuế quan chưa có hồi kết giữa hai nền kinh tế hàng đầu G20 Mỹ và Trung Quốc, đang có nguy cơ gây bất ổn cũng như kìm hãm các hoạt động kinh tế một cách nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bất bình đẳng gia tăng cùng những căng thẳng và bất đồng lan rộng khiến G20 đối mặt với cuộc khủng hoảng suy giảm lòng tin trầm trọng.
Bởi vậy, chủ nhà Argentina đã xác định 3 ưu tiên trong năm chủ tịch của mình, dưới chủ đề chính là “xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững.”
Tại loạt hội nghị cấp bộ trưởng G20 diễn ra từ đầu năm tới nay, G20 đã chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột thương mại toàn cầu leo thang, tái khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin.
Tuy nhiên, các hội nghị chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đều không đưa ra một tuyên bố chung nào về những giải pháp cụ thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Những diễn biến căng thẳng sát ngày khai mạc hội nghị, như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng có khả năng ông sẽ hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20, hay Washington tuyên bố sẵn sàng áp thêm thuế đối với Trung Quốc… càng khiến mối hoài nghi gia tăng.
Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, G20 luôn được coi là diễn đàn quan trọng bậc nhất cho hợp tác kinh tế toàn cầu. Năm 2008, khi đó các thị trường tín dụng đóng băng, các thị trường chứng khoán lao dốc và các công ty tài chính sụp đổ. G20 đã giúp điều phối kích thích tài chính linh hoạt, thông qua cải cách quản trị để duy trì tăng trưởng ổn định.
Từ đó, G20 đã thể hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, đi đầu trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu hay chính sách di cư. Bởi vậy, dư luận vẫn hy vọng các thành viên G20 có thể dàn xếp những bất đồng để tiến tới một thỏa thuận chung.
Đặc biệt, giới đầu tư ngóng trông một thỏa thuận “ngừng chiến thương mại” Mỹ-Trung Quốc trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donal Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị.
Sau nhiều tháng Mỹ và Trung Quốc áp thuế trả đũa lẫn nhau, đây có lẽ là cơ hội tốt để lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối thoại tìm kiếm thỏa hiệp.
Ra đời năm 1999 và được nâng cấp thành hội nghị thượng đỉnh năm 2008, đều là những thời điểm thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trầm trọng, G20 từng được coi như một “hình mẫu” hợp tác và phối hợp giữa các nền kinh tế cùng đối phó với những thách thức chung.
Kết quả của hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ là “phép thử” đối với uy tín và ảnh hưởng mà G20 đã gây dựng được những năm qua./.