Người dân xử lý bèo tây
Ông Phan Gia Trung ở thị trấn Sịa nói: “Sự sinh sôi và phát triển ồ ạt của bèo lục bình đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như cuộc sống của người dân. Với quyết tâm tận diệt bèo lục bình, Chi hội Nông dân tổ dân phố Thủ Lễ Nam, thị trấn Sịa phát động ra quân xử lý diệt cây lục bình và các hội viên đã tích cực tham gia, tuy nhiên để xử lý triệt để cây bèo lục bình thì rất khó khăn”.
Tại xã Quảng Thành, hiện nay bèo lục bình phát triển trở thành “tấm nệm” tự nhiên trên sông Kim Đôi. Bèo lục bình đã đan dày đặc trên sông Kim Đôi với chiều dài trên 3 km, chiều rộng của sông 2,5m, số lượng bèo ước tính trên 2.000 tấn. “Với số lượng bèo dày đặc như hiện nay, nếu tính chi phí để xử lý cũng phải trên 200 triệu đồng, trong khi đó nguồn lực địa phương quá khó khăn. Để giải quyết vấn đề này xã Quảng Thành rất cần sự hỗ trợ của các cấp các ngành”, ông Phan Đình Sửu, Phó Chỉ tịch UBND xã Quảng Thành nói.
Trong đợt ra quân lần này, các địa phương giao khoán cho các hội đoàn thể như nông dân, phụ nữ, thanh niên. Với phương thức số lượng bèo vớt lên để cách bờ sông tối thiểu 5m, số bèo này sẽ được xử lý để làm phân bón vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Vinh Quý - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Điền cho rằng, cần phải kết hợp các giải pháp, trong đó huy động người dân sinh sống ven phá, ven sông phối hợp trục vớt lục bình, đặc biệt là các tuyến kênh rạch trong khu dân cư. Mỗi người hãy góp sức vì chính môi trường sống của bản thân mình, ở ngay khu vực xung quanh gia đình mình để lục bình không có cơ hội phát triển. Để giảm thiểu chi phí trong quá trình xử lý bèo lục bình, tăng tính hiệu quả của công việc, cần phải có giải pháp xử lý bèo thành nhiều loại phân bón khác nhau. Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón sinh học làm từ nguyên liệu thực vật đang rất lớn, nếu sản xuất số lượng lớn từ nguyên liệu lục bình là một giải pháp tốt.
Tin, ảnh: Công Cường