Diễn ra trong 2 ngày (30/11-1/12), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 năm nay là một phép thử quan trọng đối với Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới kể từ sau cuộc gặp lần đầu tiên năm 2008 nhằm giải cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 7 thập niên qua.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 chính thức khai mạc tại Buenos Aires, Argentina tối 30/11. Ảnh: Sky TG24 |
Với chủ đề chính “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, Tổng thống Argentina - Mauricio Macri hi vọng, đây sẽ là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.
“Tôi hi vọng, Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tạo nền tảng cho sự đồng thuận cho 10 năm tới. Đây là một nhiệm vụ to lớn đặt ra trước mặt chúng ta. Tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo G20, chúng ta hãy cùng nhau gửi đi một thông điệp rõ ràng đến với thế giới rằng, ở đây cùng nhau chúng ta có thể đánh dấu một chân trời phát triển với trách nhiệm chung, với cam kết mạnh mẽ về bình đẳng giới và thống nhất bởi sự đa dạng”, Tổng thống Macri nói.
Trong bối cảnh sự nổi lên của xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở nhiều quốc gia, G20, với 2/3 dân số toàn cầu phải đối mặt với những câu hỏi lớn về khả năng đối mặt với căng thẳng thương mại đang gây gián đoạn thị trường toàn cầu, cũng như giảm bớt các tranh chấp về địa chính trị. Một số nhà phân tích nhận định, đây có thể sẽ là một trong những hội nghị căng thẳng nhất trong lịch sử các cuộc gặp của G20 khi bị phủ bóng bởi một loạt căng thẳng từ cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng như căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay cũng gây ra một tình thế khó xử cho các nhà lãnh đạo, trong bối cảnh vẫn còn những tranh cãi liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2/10.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận một loạt các vấn đề lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, tương lai việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển, tương lai của lương thực bền vững… Các nhà lãnh đạo G20 hy vọng sẽ đạt đồng thuận trong các vấn đề cơ bản từ những thỏa thuận đã đạt được trong hơn 80 cuộc họp trong suốt quá trình chuẩn bị từ đầu năm đến nay. G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế./.
Theo VOV