Tiết mục được biểu diễn tại đêm chung kết tài năng sinh viên ĐH Huế 2018
Hấp dẫn
Đêm chung kết tài năng sinh viên ĐH Huế 2018 vừa diễn ra vào tháng 11 có sức hút và tính lan tỏa lớn. Hàng ngàn sinh viên tìm về địa điểm tổ chức cuộc thi từ rất sớm và cổ vũ reo hò trong không gian sân khấu hoành tráng.
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Đoàn ĐH Huế cho biết, đây là năm thứ hai ĐH Huế tổ chức cuộc thi cùng sự đồng hành của Mobifone, giúp sân chơi này trở nên hoành tráng, chuyên nghiệp. Ngay từ vòng sơ loại, đã có hơn 100 tiết mục của sinh viên đăng ký tham gia. Đa phần các thí sinh/nhóm thí sinh đều đầu tư trang phục và tập luyện rất kỹ. Người thi và cả người cổ vũ đều đến với cuộc thi với tâm thế như được bước vào các chương trình, cuộc thi lớn.
Không chỉ ĐH Huế, sân chơi tại các trường thành viên cũng đang ngày càng thu hút nhiều sinh viên tham gia khi kêu gọi được xã hội hóa và đẩy mạnh tính chuyên nghiệp. Điển hình như tại Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế trong tháng 11/2018 đã kêu gọi tổ chức được 4 hoạt động theo hình thức xã hội hóa: giải bóng chuyền, bóng đá, hội thi tiếng hát sinh viên và cuộc thi dân vũ. Anh Lê Chí Hùng Cường, Bí thư Đoàn Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế chia sẻ, nhiều sân chơi kể trên được các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ 100% nên quy mô và hình thức cũng được đầu tư tốt hơn, hiệu quả mang lại, nhất là sức lan tỏa trong sinh viên rất tốt.
Nhờ xã hội hóa, nhiều sân chơi đã tạo được thương hiệu. Theo đại diện các trường, thông qua sự phối hợp tốt với các đơn vị, nên các sân chơi được duy trì suốt nhiều năm và mang tính truyền thống, nhất là các giải thể thao, cuộc thi tài năng sinh viên. Qua mỗi mùa tổ chức, nội dung và hình thức được đầu tư hơn, đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, vì thế hấp dẫn người tham gia.
Phát triển thêm
Một điều có thể thấy là các hoạt động xã hội hóa đang khá hiệu quả ở các sân chơi mang tính bề nổi, cụ thể là các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trong khi đó, sinh viên ở các trường có nhiều hoạt động, sân chơi khác cũng cần xã hội hóa.
Lâu nay, những sân chơi học thuật, kỹ năng, cuộc thi khởi nghiệp tại các trường chưa thực sự phát triển mạnh do hạn chế về nguồn kinh phí. Anh Bùi Hữu Hùng, Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế lý giải, việc kêu gọi xã hội hóa cho các hoạt động này còn giới hạn do có rất nhiều hoạt động cần kêu gọi sự vận động từ các doanh nghiệp. Ngoài ra, phía doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích từ một số hoạt động này nên có thể chưa mặn mà. “Để xã hội hóa, cần chứng minh được lợi ích mang lại không chỉ cho sinh viên mà còn cho đơn vị tài trợ. Các chương trình cũng phải đầu tư, nghiên cứu xây dựng hiệu quả”, anh Hùng bày tỏ.
So với giai đoạn trước, thuận lợi hiện nay là các trường, khoa đang liên kết hợp tác rất tốt doanh nghiệp. Nhiều đơn vị dần chuyển hướng, đưa doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, vì thế cần tranh thủ mối quan hệ hợp tác để phối hợp tạo các sân chơi xã hội hóa, nhất là các hoạt động hướng đến phát triển kỹ năng và chuyên môn cho sinh viên.
Một trong những hướng đi có thể nghĩ tới là các sân chơi học thuật, kỹ năng về nghề nghiệp, cơ hội việc làm cho sinh viên liên quan trực tiếp đến các nhà tuyển dụng. Hiện trong nước cũng có nhiều cơ sở giáo dục mở ra những cuộc thi như “Chinh phục nhà tuyển dụng”, hội thi Olympic các môn, cuộc thi khởi nghiệp, các cuộc thi liên quan đến chuyên ngành. Với hình thức tổ chức khéo léo, vừa có thể mang lại hiệu quả học tập cho sinh viên nhưng cũng góp phần phù hợp mục đích truyền thông cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ áp dụng cho các sân chơi cấp trường, mà còn tổ chức được tại các khoa chuyên môn, khi các đơn vị này cũng có những ký kết, hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Hữu Phúc