Hội nghị do Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Mahasharakham, Thái Lan tổ chức nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới giáo dục đáp ứng những yêu cầu của thế kỉ 21, tạo diễn đàn chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như những kết quả nghiên cứu về đổi mới giáo dục và khả năng hợp tác giữa những cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới. 

Giáo sư Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị ICER 7.

Tham dự lễ khai mạc có: Giáo sư Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế; lãnh đạo Đại học Mahasarakham, Thái Lan, các trường Cao đẳng và Đại học Quốc gia Lào; các trường Đại học Sư phạm trên toàn quốc và các trường đại học, khoa trực thuộc Đại học Huế. Hội nghị còn có sự tham gia của 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ Mỹ, Campuchia, Indonesia, Myanma, Philippin, Nam Phi và Việt Nam. 

Các đại biểu tham dự hội nghị

ICER 7 là cơ hội để các nhà giáo dục quốc tế chia sẻ, tìm hiểu những phương pháp tiên tiến có thể phát triển, điều chỉnh và áp dụng nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, hội nghị giúp mở rộng mạng lưới hữu nghị, thiết lập mối quan hệ hợp tác mới cũng như thắt chặt mối liên hệ với các trường đại học trong khu vực trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho cộng đồng Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội để cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế trao đổi những kết quả nghiên cứu trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và quảng bá hình ảnh của trường đến bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Giáo sư Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá cao tầm ảnh hưởng của hội nghị ICER 7 đối với sự phát triển giáo dục, vấn đề đang được chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm; đồng thời khen ngợi nỗ lực của Trường Đại học Sư phạm Huế trong việc phối hợp với các trường đại học ở Đông Nam Á để tổ chức hội nghị này.

Tại buổi khai mạc, hội nghị đã được nghe báo cáo mời “Chiếm lĩnh khả năng lãnh đạo trong sự kỳ diệu của các khóa học trực tuyến phổ quát và sự vận động đại chúng hướng đến nền giáo dục mở” của Giáo sư Curtis J.Bonk, Trưởng khoa Giáo dục, Trường Đại học Indiana, Mỹ và báo cáo “Những thay đổi trong quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của Giáo sư Phạm Đỗ Nhật Tiến, Học viện Quản lý Giáo dục, Hà Nội. Trong 2 ngày 15 và 16/3/2014, hội nghị sẽ tiếp tục nghe 50 báo cáo nói và xem 30 báo cáo poster trình bày ở 4 tiểu ban với các chủ đề chính: Quản lý và phát triển giáo dục; Đổi mới trong giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin; Chương trình dạy và học; Giáo dục cho những nhóm đối tượng khác nhau.

Tin và ảnh: Ngọc Hà