Thực ra “xưa nay”, các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc này. Tức là Nhà nước thành lập ra một đơn vị gồm có biên chế, trụ sở, cấp một nguồn kinh phí và có khi là nhiều phương tiện khác để anh thực hiện nhiệm vụ. Điều này cũng có nghĩa, Nhà nước đã “đặt hàng công việc" cho anh rồi. Thế thì tại sao hiện nay lại đặt vấn đề “đặt hàng” ra nữa ?

Nhiệm vụ được Nhà nước giao cho một đơn vị sự nghiệp công lập, tức là một dịch vụ công nào đó, có thể xem nó là một thứ hàng hóa. Trước đây, người cung cấp “hàng hóa, dịch vụ” đã không tính đúng tính đủ chi phí đầu vào và đầu ra. Mà thường là một sản phẩm đưa ra với chi phí giá thành cao hoặc rất cao, nói cách khác, thuật ngữ mà chúng ta thường hay nghe là “kém hiệu quả”. Điều này không khó để nhận biết. Ví dụ như chuyện sử dụng xe công. Chuyện cũng công việc chừng ấy nhưng bộ máy thì ngày càng phình to… Như vậy, đặt hàng bây giờ có thể hiểu là anh phải tính lại đúng chi phí. Tính một cái giá thế nào mang tính cạnh tranh nhất. Nghĩa là phải giảm chi phí, hoạt động ở một năng suất  cao nhất. Một khi đã tính đúng chi phí sản phẩm, dịch vụ, nguồn lực nhân sự không phải là điều mà Nhà nước quá bận tâm nữa. Nhà nước chỉ mua anh một sản phẩm, dịch vụ… với chất lượng như thế này, với giá như thế này, anh tổ chức bao nhiêu người làm là tùy anh. 1 người thì anh được hưởng nhiều, 2 người chia ra thì anh được hưởng ít. Anh tổ chức như thế nào để đưa ra được sản phẩm tốt là tùy anh. Cái khác về việc “đặt hàng” bây giờ có lẽ chính là ở chỗ này. Để biết sản phẩm dịch vụ anh đưa ra tốt xấu như thế nào, thì phải tính đến yếu tố cạnh tranh. Nó cũng như tổ chức đấu thầu một sản phẩm nào đó. Những lĩnh vực nào có thể được, thu hút nhiều thành phần tham gia, chúng ta nên tổ chức đấu thầu công khai.

Có nhiều việc phải làm khi sắp xếp, đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng điều quan trọng là phải thay đổi tư duy quản lý. Khi nào chưa xóa được “tư duy bao cấp” thì chừng đó, anh khó mà đưa ra một sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt.

Tôi đã nghe không ít lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập khi bàn về việc “tự chủ tài chính” nói rằng, cũng không nên lo lắng lắm, thế nào Nhà nước chẳng “đặt hàng”. Tức là tư duy dựa dẫm vào bầu sữa ngân sách còn rất nặng. Một khi đã như vậy, thì khi xây dựng lộ trình tự chủ tài chính, họ sẽ tìm mọi cách để đẩy giá thành lên cao. Không có những đơn vị tham mưu đủ hiểu biết ở từng lĩnh vực, thì không khéo, Nhà nước sẽ đặt hàng với một cái giá cao hơn trước. Cho nên, thẩm định giá trước khi đặt hàng cũng là một việc làm quan trọng trong sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Thẩm định giá có nhiều cách: giá được định đoạt bởi một đơn vị có đủ chức năng, thẩm quyền, đủ sự hiểu biết ở một lĩnh vực nào đó; nhưng cũng có thể để thị trường định đoạt (với những nhiệm vụ nào có thể).

Nguyên Lê