Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven thành phố Huế. Khi mới lên năm, tôi thì đã bắt đầu thích vẻ đẹp của những bông hoa dâm bụp (người Huế chúng ta thường gọi là bông cẩn) vươn ra từ một hàng rào xanh của vườn nhà. Mặt tiền và mặt hậu vườn nhà tôi là hai hàng rào chè tàu xanh mướt, tiếp giáp với hai vườn nhà lân cận thì một bên là hàng rào dâm bụp, còn một bên là hàng rào hóp. Cứ mỗi lần ba tôi cắt tỉa hàng rào xanh quanh vườn nhà là tôi ngắm nhìn mải mê và cũng từ đó trong tâm thức tôi gần như không bao giờ quên được sắc thái hàng rào xanh đến nỗi cho đến bây giờ, hễ đi đâu thoáng thấy hàng rào xanh là không thể bỏ qua cơ hội ngắm nhìn, chiêm ngưỡng.

Hàng chè tàu là nét văn hóa gắn với nhà vườn Huế

Cũng do ấn tượng về hàng rào xanh, tôi luôn mong các nhà vườn Huế giữ mãi nét đặc trưng sinh thái này như bảo tồn một nét văn hoá đặc trưng cho xứ Huế. Nhắc đến hàng rào xanh là nhắc đến một nét đẹp văn hoá đã từng gây ấn tượng cho biết bao người, không riêng gì cư dân xứ Huế mà cho cả khách vãng lai mỗi lần được mục kích. Khi nói đến hàng rào xanh ở Huế, tôi thường gọi “hàng rào xanh đa chủng loại” vì tuỳ sở thích của chủ vườn hay điều kiện sinh thái môi trường và sinh thái nhân văn của từng địa phương mà các chủ vườn chọn lựa cây trồng làm hàng rào xanh khác nhau, dần dần chủng loại cây trồng làm hàng rào rất phong phú.

Hàng rào xanh khi được cắt tỉa, tạo hình sẽ tạo thành một hình ảnh nghệ thuật bắt mắt. Đối với một người khách lạ đến nhà, thậm chí chỉ là khách qua đường, hàng rào xanh của khu vườn là điểm nhấn đầu tiên gây thiện cảm sâu sắc cho họ. Nhiều trường hợp khách ra về mà cứ miên man nghĩ về hàng rào xanh đó. Thử so sánh một nhà vườn có hàng rào xanh bao bọc với một nhà vườn được bao che bởi bức tường thành bê tông chúng ta sẽ thấy thế nào? Theo tôi, hàng rào bằng bê tông ngoài vẻ đẹp hiện đại, dễ thiết kế theo nhiều mẫu mã, nhiều sắc màu hoặc thiết kế theo chiều hướng chống xâm nhập của kẻ gian, không có được những ưu điểm về bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan theo hướng tự nhiên như hàng rào xanh. Trái lại, hàng rào xanh luôn là một bức tường chắn bụi nhưng không khí vẫn lưu thông được từ ngoài đường vào trong vườn hoặc theo hướng ngược lại. Nó còn có ưu điểm là không hoàn toàn cản gió, không tạo phản lực như tường bê tông nên ít khi tạt bụi vào nhà, đồng thời còn là một mảng tiểu không gian điều hoà nhiệt độ, giảm lạnh vào mùa mưa và giảm nóng vào mùa nắng cho vườn nhà, có lợi cho cây trồng và nhà ở. Một con đường nhỏ, một con hẻm mà hai bên đều là những nhà vườn với hàng rào xanh nối tiếp sẽ tạo một không gian đẹp mắt, một bức tranh thiên nhiên mềm mại.

Trong các loại hàng rào xanh vừa kể thì hàng rào chè tàu là loại hình được đa số chủ vườn chọn lựa. Ngoài những ưu điểm chung đã nêu, cây chè tàu có cành nhánh nhiều, nhỏ nhắn nên dễ cắt tỉa, và do lá nhỏ, mọc dày đặc nên sau khi được cắt xén nó không để lộ vẻ thô kệch của cành nhánh như các loại cây khác. Chính vì điều này, chúng ta thấy hàng rào chè tàu xuất hiện nhiều hơn. Khi nhắc đến hàng rào xanh của vườn nhà nhiều người vẫn liên tưởng đến “hàng rào chè tàu”.

Có vẻ như người Huế ngày càng có xu hướng thiên về hàng rào bê tông. Ngoài những nhà tân tạo, nhiều nhà cũ cũng được chủ nhà bê tông hoá hàng rào thay cho hàng rào xanh vốn đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Thậm chí ở nhiều thôn làng, nơi mà bao đời nay nhà nhà, vườn vườn đều sở hữu những hàng rào xanh truyền thống thì khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người ta cũng bê tông hoá hàng rào vì nghĩ rằng như thế mới hiện đại. Đà này, hàng rào xanh nói chung, hàng rào chè tàu nói riêng sẽ mai một dần. Đó là một sự mất mát lớn về văn hoá cho xứ Huế. Ước gì chính quyền địa phương có một dự án “Bảo tồn hàng rào xanh” để động viên, hỗ trợ các nhà vườn ở nội đô thành phố Huế giữ gìn và phát huy nét đẹp này nhằm góp phần vào việc tôn tạo cảnh quan đô thị và phục vụ du lịch sinh thái.

Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm