Tiếp thu ý kiến cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, trong đó quan tâm giải việc làm cho con em đồng bào vùng cao. Nhưng để có việc làm, bà con cần thay đổi tư duy.

Một thực tế là lâu nay, người dân vẫn còn định kiến với việc học nghề. Học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học phần lớn thường mong muốn vào đại học, cao đẳng với tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ. Thực tế này dẫn đến cung vượt cầu. Sinh viên ra trường nhiều nhưng việc làm ít, dẫn đến khó xin việc. Chưa kể, chất lượng đào tạo, năng lực sinh viên sau ra trường không đáp ứng yêu cầu cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Để thay đổi nhìn nhận về vấn đề việc làm, đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” được Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu tạo bước đột phá, phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ ở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh ta, theo đánh giá của ngành lao động-thương binh-xã hội thì công tác phân luồng chưa được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề vẫn còn thấp.

Số liệu từ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho thấy, năm 2018, ước tính, toàn tỉnh giải quyết được việc làm mới cho 17.000 lao động, đạt 106% kế hoạch. Kết quả này cho thấy nỗ lực lớn trong công tác việc làm nhưng còn khiêm tốn so với nhu cầu. Nguyên nhân của tình trạng lao động thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định còn cao là do nhân lực được đào tạo chưa đúng ngành nghề xã hội cần; trình độ lao động phần lớn là đơn giản, phổ thông.

Để giải  quyết bài toán việc làm, bên cạnh sự thay đổi nhận thức, tư duy của người dân, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cũng cần thay đổi.

Xu hướng hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao hiện nay đòi hỏi chất lượng đào tạo nghề phải bắt kịp yêu cầu, đáp ứng chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề phù hợp. Đây là một thách thức lớn đối với công tác định hướng, đào tạo nghề khi hiện nay, tại tỉnh ta, cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm trên 55%). Đào tạo nghề chất lượng cao như nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài còn chậm.

Và nếu không thay đổi tư duy, không giải quyết tốt bài toán đào tạo-việc làm thì việc lao động sau đào tạo không tìm được việc là sự lãng phí lớn cho cá nhân và xã hội, về thời gian và tiền bạc.

Nhật Nguyên