Niềm vui được đặc xá

Anh N. V. H. 38 tuổi, quê ở Nghệ An, người được đặc xá dịp này vui mừng tâm sự: "Trước đây, tôi làm nghề phụ xe, do vướng vào ma tuý, nghiện, nên mua bán trái phép ma tuý, kiếm lời lấy tiền sử dụng loại "hàng" này. Khi mới vào trại, điều khủng khiếp nhất là những cơn vật vã do thiếu thuốc. Nhưng đã vào trại cải tạo, không còn cách nào khác là phải tự vượt lên tất cả những tai ương mà mình tự chuốc lấy. Được sự quan tâm của cán bộ trại, cùng với một chế độ sinh hoạt, lao động, rèn luyện phù hợp, có khoa học, điều độ, thật mừng là sức khoẻ tôi ngày một tốt lên. Nếu không bị bắt, còn ở ngoài, không cai nghiện được, không biết bây giờ tôi còn sống được không”.
 

Đ/c Phan An, Giám thị trại giam Bình Điền trao quyết định đặc xá
 
Người bạn tù ngồi bên cạnh H. tên T. Đ quê ở Đà Nẵng bị toà án phạt 10 năm tù, mới chấp hành hình phạt được 3 năm, không giấu vẻ mặt ngậm ngùi: "Em buồn vì mình chưa đủ thời gian và điều kiện để xét đợt này. Nhưng em quyết tâm và hy vọng, mình cố gắng cải tạo tốt, thì có ngày cũng sớm được trở về". Một phạm nhân mức án 8 năm tù, dịp này cũng chưa được xét, nhưng vẫn lạc quan với nụ cười tươi: "Ngoài đời vui lắm. Được tự do là sướng nhất. Trót một lần lầm lỡ, để bản thân và vợ con phải khổ, tui sợ lắm rồi. Cứ quyết tâm sửa chữa, sẽ có ngày mình cũng được đặc xá. Khi mô được trở về, nhất quyết phải tu chí làm ăn lương thiện thôi".
 
Chị L. T. Q ở Phú Lộc miệng cười mà mắt rưng rưng vì hạnh phúc: “Khi “vào”, để lại 3 đứa con thơ, mẹ già 80 tuổi. Chồng mất...Bao nhiêu là thương nhớ, lo lắng, trăn trở... Dịp này được đặc xá, tui mừng quá. Cảm ơn chính sách khoan hồng của Nhà nước”.
 
Người được đặc xá vui mừng làm thủ tục cam kết không tái phạm.
 
Trong buổi sáng đầy nắng, không ai nói về những bản án, về hình phạt...Những người từng lầm lỗi hướng về con đường phía trước, sự hoàn lương và làm thế nào trở thành người có ích cho xã hội.  
 
Để hoàn lương
 
Giáo dục, cải tạo những người phạm tội trở lại làm người lương thiện là mục đích của Đảng, Nhà nước ta, là mong muốn của toàn xã hội, những cán bộ trại giam và cũng là của đa số bản thân những người từng lầm lỗi. Thượng tá Nguyễn Xuân Thỉnh, Phó Giám thị Trại giam Bình Điền cho biết: Sau khi tiếp nhận người đến thi hành án phạt tù, ngoài việc tổ chức cho phạm nhân học tập về các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của trại giam, các quyền nghĩa vụ của phạm nhân khi thi hành án...trại đặc biệt chú trọng tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân, sau này hòa nhập cộng đồng, họ có công ăn việc làm ổn định, để hoàn lương.
 
Đó cũng là mong ước và nung nấu của đa số những người lầm lỗi. Anh N. V. H., T. Đ., chị L. T. Q. và nhiều phạm nhân khác, dù là người được đặc xá dịp này hay người còn ở lại tiếp tục học tập cải tạo, đều có chung quyết tâm, khi được trở về với cuộc sống bình thường, sẽ không bao giờ phạm lại lỗi lầm. Ngay từ khi còn chấp hành hình phạt trong trại giam, họ đã có những dự định, tính toán về một công việc phù hợp với mình, để bắt đầu cuộc sống mới. Dù có thể kiếm được không nhiều tiền, nhưng một công việc lương thiện, là sự đảm bảo chắc chắn và tốt đẹp nhất cho cuộc sống mỗi người.
 
Như chị Q, người được đặc xá dịp này tâm sự: “Ở nhà đất vườn rộng, tui quyết định rồi, tui sẽ chuyên tâm vào nghề chăn nuôi, trồng trọt. Cứ mùa nào rau nấy như đã làm trong thời gian ở đây, lại thêm con lợn đàn gà, thì dù khó khăn vất vả, nhưng tin rằng, cuộc sống gia đình tui sẽ tốt đẹp. Sống cuộc sống lương thiện cũng là sự tri ân, đền đáp đối với chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đã dành cho những người lầm lỗi”...
 
Bài, ảnh: Quỳnh Anh