Trường ĐH Phú Xuân và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế ký kết hợp tác về tuyển sinh và đào tạo

Hướng đến lợi ích của sinh viên

TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Xuân cho biết, chương trình đào tạo này khá linh hoạt. Với thuận lợi hình thức đào tạo tín chỉ, khi sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tham gia chương trình đào tạo đại học tại trường, các tín chỉ tương đương trong các chương trình đào tạo của hai trường về các ngành, như công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh (Digital maketing), ngôn ngữ Anh (tiếng Anh thương mại), Việt Nam học (du lịch) sẽ được công nhận, sinh viên không phải học lại, tiết kiệm được kinh phí. Sau quá trình đào tạo trình độ cao đẳng, sinh viên chỉ cần học thêm khoảng 1,5 năm nữa, đồng thời được nhận 2 bằng do hai đơn vị cấp. “Chương trình chuyển tiếp từ cao đẳng lên đại học sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Trường cao đẳng công nghiệp Huế có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hơn”, ông Minh nhấn mạnh.

Ngoài hình thức đào tạo chuyển tiếp, hai trường còn phối hợp trong tuyển sinh khóa đào tạo và tuyển dụng chuyển nghề lập trình viên “Migrate to IT”, hướng đi đáp ứng nhu cầu nhân lực thời đại 4.0. So với những chương trình đào tạo khác, hình thức này mở rộng đầu vào sinh viên tốt nghiệp ở bất cứ ngành nghề gì. Điểm thuận lợi là chương trình đào tạo ngắn hạn, thời gian học tập trung từ 4 – 7 tháng. Khi kết thúc chương trình, sinh viên có thêm chứng chỉ để tạo thêm hướng đi tương lai bằng công việc liên quan đến công nghệ thông tin. Điều đặc biệt là tham gia khóa học này, học viên được ký cam kết có việc làm 100%, với thu nhập khởi điểm 5 – 7 triệu đồng/tháng. Trái lại, sẽ hoàn trả 100% học phí nếu học viên không học được, hoặc chưa có công việc phù hợp với mức lương cam kết sau 30 ngày kể từ khi tốt nghiệp.

Đại diện Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phân tích, vấn đề tìm việc là khó khăn chung của sinh viên hiện nay, nhất là với sinh viên cao đẳng, trung cấp. Việc mở ra hình thức này phù hợp với nhu cầu xã hội và thị trường lao động, đồng thời phần nào giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên. Hướng đi này được các nước trên thế giới đã triển khai và mang lại hiệu quả, nhất là chất lượng đào tạo, đáp ứng đầu ra.

Dựa vào điểm chung

Theo TS. Đàm Quang Minh, điểm chung của hai đơn vị là cùng tầm nhìn và mục tiêu gắn kết với doanh nghiệp; các chương trình đào tạo, chuyên ngành của hai đơn vị có những điểm giống nhau, nên thuận lợi để hợp tác đào tạo.

Vấn đề được cả hai trường chú trọng hiện nay là đầu ra việc làm cho sinh viên, nhất là việc làm đúng chuyên ngành học. Ngoài các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hai trường đều đẩy mạnh kết nối các đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước để nắm bắt các đòi hỏi về nhu cầu nhân lực và kịp thời xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

Trường đại học Phú Xuân đang phối hợp Trường cao đẳng Công nghiệp để xây dựng chương trình chuyển tiếp từ cao đẳng lên đại học; đồng thời phối hợp xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo một số ngành nghề tạo điều kiện cho sinh viên học bằng đôi giữa hai trường. Trong quá trình tuyển sinh, Trường đại học Phú Xuân sẽ phối hợp tư vấn cho sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế về định hướng chọn nghề, chuyển nghề, đồng thời cung cấp các dữ liệu phục vụ cho việc tư vấn đào tạo nghề.

Ngoài ra, đối với khóa đào tạo chuyển nghề lập trình viên “Migrate to IT”, Trường đại học Phú Xuân sẽ cung cấp chương trình đào tạo, các tài liệu tuyển sinh phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc