Cần hành động toàn cầu ngay lập tức để ngăn chặn tối đa tai nạn giao thông xảy ra. Ảnh: CNA

Chỉ trong vòng 3 năm, số người tử vong tăng khoảng 100.000 người/năm. Trong đó, tai nạn giao thông là kẻ giết người hàng đầu đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 5 – 29.

Khi tình trạng ngày càng xấu đi, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Cái giá phải trả cho sự di chuyển là không thể chấp nhận được. Không có lý do gì để trì hoãn hành động đối phó”.

Được biết, những nỗ lực an toàn đường bộ chứng kiến nhiều thành quả hơn ở các nước phát triển, có mức thu nhập trung bình đến cao – nơi phần lớn người dân di chuyển bằng xe ôtô. Điều này là kết quả của đường lối luật pháp đúng đắn, nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các rủi ro chính đến từ hành vi tăng tốc, uống rượu khi lái xe, không thắt dây an toàn... Ngược lại, do thiếu chính sách rõ ràng, chặt chẽ, mức độ cải thiện ở các quốc gia nghèo hơn đang tụt lại khá xa, nhất là khi nguy cơ tử vong khi tham gia giao thông đường bộ ở các quốc gia này cao hơn gấp 3 lần so với các nước phát triển.

Đối với những người dễ bị tổn thương khi xảy ra va chạm, số nạn nhân thiệt mạng là người đi bộ hoặc đi xe hai bánh chiếm ½ trong tổng các trường hợp tử vong. Ở Đông Nam Á, con số này chạm mốc 43% - mức báo động.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ CNA)