Trụ biểu thường là hình trụ chữ nhật, phần trên cùng nhọn, trang trí búp sen, đèn lồng hay cổ lâu, hai trụ đứng giữa bao giờ cũng cao hơn hai trụ bên. Trên thân các trụ biểu này được gắn, khảm, đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán. Có thể kể đến một số đình làng ở ngoại vi thành phố tiêu biểu như đình làng Thế Lại Thượng, đình làng Dương Xuân, đình làng An Cựu, đình Xuân Hòa, đình làng Thanh Thủy Chánh… và đặc biệt là đình làng Phú Xuân, ngôi đình duy nhất nằm trong nội vi kinh thành.

Câu đối ở hai trụ biểu giữa của đình làng Xuân Hòa

Những câu đối trên thân trụ biểu bao giờ cũng thể hiện một nội dung nào đó về địa thế của làng, cùng những ước vọng, xen kẽ niềm tự hào của truyền thống quê hương. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều câu đối thể hiện theo cách nhìn phong thủy như có núi chầu, sông bọc, tiền án sáng sủa, hậu chẩm dày dặn. Câu đối mặt ngoài trên thân hai trụ biểu nằm giữa của đình Thế Lại Thượng đã thể hiện điều đó: “Diện đối Xuân thành nhất tự án tiền phô cẩm tú / Hướng nghinh Hương thủy tứ hồi giang bạn dẫn văn lan”. Tạm dịch mặt đối điện với thành Xuân, một chữ trước án bày gấm vóc/ hướng đón sông Hương, bốn bề nước dợn văn chương. Hay có câu đối thể hiện thời điểm kiến tạo: “Phú lạc hấp càn khôn, Bính Tuất Đinh Hợi tức khởi/ Xuân nùng hồi vũ trụ, Bình lãnh hoành sơn đương tiền” (Tạm dịch: giàu có yên vui ngập đất trời, xây dựng vào năm Bính Tuất và Đinh Hợi/ xuân tươi khắp vũ trụ, núi Ngự Bình trước mặt giăng ngang) (đôi câu đối ở trụ biểu ở giữa của đình làng Phú Xuân). Hoặc có câu đối thể hiện hào khí của con người trước vũ trụ rộng lớn: “Trác nhĩ lập thân thiên địa đại/ Nghiễm nhiên đương diện quách thành cao” (Tạm dịch: vòi vọi lập thân trời đất rộng/ vững vàng đối mặt vách thành cao) (câu đối trụ biểu tả hữu của đình làng Phú Xuân).

Quy mô của đình làng có thể lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào kinh tế của làng mà xây dựng, tuy nhiên, khi đặt câu đối cho đình, bao giờ làng cũng chọn những câu đối mang nội dung hướng đến tinh thần chung của làng xã. Ví như làng Xuân Hòa, một làng có địa thế gần kinh thành, trong làng có rất nhiều nhân vật nổi tiếng từng cư ngụ như tả quân Lê Văn Duyệt, tượng chính Nguyễn Đức Xuyên… Làng lại có bề dày lịch sử nên câu đối ở trụ biểu đình làng Xuân Hòa đã thể hiện tinh thần tự hào của dân làng về truyền thống đó: “Tả ấp thần kinh, thiên tải diễm truyền văn vật/ Hữu liên thanh miếu, bách niên hóa nhập thi thư” (Tạm dịch: nằm sát bên phải kinh thành, ngàn năm khéo truyền văn vật/ liền kề bên trái thanh miếu, trăm năm thấm nhuần thi thư). Và câu đối ở hai trụ biểu chính giữa cũng nói lên niềm ước mơ cuộc sống yên bình đầy đủ, nhờ địa thế núi sông hun đúc nên thế đất linh, có nhiều anh tài: “Hòa khí xuân phong, nhất ấp hữu Đường Ngu cảnh tượng/ Cẩm phong trí thủy, lưỡng giang chung đại địa văn chương” (Tạm dịch: gió xuân ấm áp, một ấp có cảnh tượng thời Đường Ngu/ Non nước như sắp đặt, hai bên sông chung đúc đất văn chương)

Trụ biểu đình làng vào thời xưa có thể là một tiểu kiến trúc cao nhất trong làng mà từ xa ai cũng có thể nhìn thấy được. Nó vượt lên trên mọi giới hạn về quy cách để làm thành biểu tượng chung cho văn hóa tinh thần làng xã. Mái đình có thể thấp hoặc nhỏ nhưng tứ trụ vẫn vươn cao, điều đó thể hiện tôn chỉ những cái thuộc về tập thể chung của làng là tối thượng, là biểu tượng uy nghi cho thiết chế làng xã vững bền.

Nguyễn Thị Xuân Hiền