Theo một con số được công bố mới đây, năng suất lao động xã hội ở Thừa Thiên Huế đạt khá thấp, mỗi năm một người lao động tạo ra giá trị khoảng 73 triệu đồng. Nếu như trừ ra ngày chủ nhật không làm việc thì mỗi người lao động tạo ra giá trị vào khoảng hơn 235.000đ (khoảng hơn 10USD, 1 giờ lao động trong ngày tạo ra khoảng hơn 1 USD). Con số này được cho là thấp, chỉ bằng 79% so với bình quân cả nước.

Cứ giả sử như, năng suất mà mỗi lao động tạo ra trùng với số người trong độ tuổi lao động (ở Thừa Thiên Huế tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 55% dân số - thống kê năm 2017 – Cục Thống kê) thì đời sống trên mặt bằng chung trong tổng thể người dân của Thừa Thiên Huế khoảng hơn 1 triệu dân, chúng ta sẽ thấy ngay mức sống trung bình của người dân vẫn còn rất thấp.

Vấn đề là vì sao, một tỉnh được xác định thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Trung Trung bộ nhưng lại có năng suất lao động xã hội thấp như vậy? Theo tôi có mấy sự tác động như sau: Năng suất lao động cao được tạo ra bởi người lao động có tay nghề, có kỹ năng cao. Ở đây, rõ ràng người lao động của chúng ta còn nhiều hạn chế về điều này. Mặc dù theo con số thống kê cho biết, tỷ lệ lao động được qua đào tạo là 60%, cao hơn bình quân cả nước, nhưng dường như có một nghịch lý là năng suất lao động lại thấp hơn so với bình quân cả nước gần 20%. Có phải công tác đào tạo chưa gắn với thực tiễn? Thiên về đào tạo lý thuyết mà thiếu điều kiện thực hành?

Năng suất lao động xã hội của chúng ta thấp có lẽ là chưa gắn với những ngành có giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn còn chiếm rất cao. Con số thống kê của năm 2017 cho thấy, ở khu vực nông thôn có đến hơn 327.000 người trong độ tuổi lao động, hơn 50% so với khu vực thành thị (tất nhiên ở khu vực nông thôn cũng có lao động làm dịch vụ và công nghiệp nhưng tỷ lệ này không nhiều). Lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chừng 10% trong cơ cấu kinh tế nhưng đã thu hút một lực lượng lớn lao động như vậy thì làm sao mà năng suất lao động không thấp. Ở đây cũng cho ta thấy một vấn đề, hai ngành chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong GRDP là dịch vụ và công nghiệp cũng không tạo ra nhiều việc làm, không “kéo” được lao động ở khu vực nông thôn với một tỷ lệ đáng kể. Ngay trong ngành dịch vụ, thì năng suất lao động cũng thấp.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy vào kỳ cuối năm 2018 đã đánh giá vấn đề này như sau: “Khu vực dịch vụ có tiềm năng lớn, nhưng chủ yếu vẫn tập trung khai thác một số dịch vụ thông thường, thiếu các dịch vụ cao cấp, chất lượng cao… Các phân ngành dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, tài chính, viễn thông, công nghệ thông tin chưa đủ mạnh. Ngay du lịch là lĩnh vực có thế mạnh nhất thì cũng chưa phát triển được các dịch vụ có chất lượng cao cấp, có khả năng tạo ra doanh thu lớn…”.

Thực trạng là như vậy nhưng để cải thiện năng suất lao động là một bài toán không hề dễ dàng. Lao động của chúng ta phần lớn là có trình độ, tay nghề, kỹ năng không cao. Tiếp đến là điều kiện để tăng năng suất lao động thì những tiền đề này chưa thấy tạo ra nền tảng mạnh mẽ, chủ yếu làm trong những ngành có giá trị gia tăng thấp. Ví dụ như phân ngành dịch vụ rất có tiềm năng như tài chính thì cũng chỉ chiếm tỷ trong 7% trong cơ cấu ngành dịch vụ. Một yếu tố nữa là công nghệ, thiết bị… cũng chậm đổi mới và còn nhiều hạn chế… Có lẽ, tất cả những điều này đã “ngáng chân lao động” của chúng ta chăng?

Lê Nguyễn