Nhà chị Vui ở phường An Đông, chẳng hiểu duyên nợ thế nào mà nồi bún của chị bén duyên với vùng đất Phủ Cam đến nay đã gần 20 năm. Chồng chị trước đây là thợ xây, cứ tưởng chỉ cần vợ chồng tảo tần dù không giàu có nhưng cũng đủ để nuôi 3 đứa con đầy đủ, ăn học đến nơi đến chốn. Nào ngờ, cách đây 8 năm, khi các con của họ còn chưa trưởng thành thì anh bị tai nạn, dù thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng lại không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Nguồn thu nhập từ gánh bún lo cho 5 miệng ăn và thuốc thang của chồng suốt đời là cả sự cố gắng ngoài khả năng của chị. Vẫn biết mình không đủ điều kiện cho các con học đại học, nhưng một mặt cố gắng, một mặt chị luôn động viên các con cùng mẹ vượt qua số phận; nhờ vậy, con trai lớn của chị sau khi học xong trung học phổ thông thì nhập ngũ và đã được ở lại công tác trong quân đội; con gái thứ hai học xong lớp kế toán giờ cũng đã tìm được việc làm ổn định tại một khách sạn tư nhân. Nhưng thằng út thì không được suôn sẻ như anh chị nó. Học chưa hết trung học cơ sở, Bình cương quyết bỏ học để ra Hà Nội học may. “Sáng dạ và khéo tay” là nhận xét của thầy giáo dành cho Bình giúp chị Vui được an ủi phần nào. Sau một năm học nghề, Bình được về phép thăm mẹ, niềm vui nhỏ đến với chị chưa được bao lâu thì chuyện động trời xảy ra. Chỉ vì mấy đêm cho phép con đi chơi với bạn bè cùng xóm thì thấy công an khu vực vào đưa nó lên đồn điều tra. Hỏi ra mới biết, mấy đêm rồi Bình là đồng phạm của nhóm trộm vặt trong xóm. Vì mới phạm tội lần đầu và chỉ là đồng phạm nên mức án dành cho Bình là 1 năm cải tạo không giam giữ và bị quản thúc tại địa phương.

Suốt thời gian con trai thực hiện thi hành án, chị Vui tìm mọi cách giữ nó bên mình. Ban ngày phụ mẹ bán bún, chợ búa hay phương việc gì chị cũng tìm cách dỗ dành để nó theo cùng. Một năm rồi cũng trôi qua, nhớ mới hồi đầu năm, tôi hỏi thăm khi không thấy cậu bé ở quán, chị Vui thở dài kể thật và cho biết Bình đã chấp hành xong án phạt và đã ra Hà Nội tiếp tục học nghề thợ may. Chị Vui trải lòng: “Biết là hắn thích nghề may, nhưng một mình ở xa không biết có khôn ngoan ra không, chứ dại dột thêm lần nữa chắc chị cũng hết sức rồi”.

Đoán được mẹ đã kể chuyện về mình cho tôi nghe, Bình cười bẽn lẽn: “Con cũng đắn đo lắm, đang dịp tết hàng nhiều lẽ ra phải tranh thủ trở ra phụ mà trả ơn cho thầy. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại thấy thương mẹ nên ở lại giúp được gì thì giúp. Phần mong mẹ bớt gánh nặng phần cũng để mẹ vui”.

Bằng tình thương yêu và sự cố gắng của mình, chị Vui đã không để con trai trượt dài với những sai trái và nhanh chóng tìm được hướng đi đúng. Điều này càng khiến tôi hiểu ra rằng, sự chở che con đúng cách là điều cần nhất ở người mẹ.

ĐĂNG VIỆT