Cô Duyên với học trò trong giờ hoạt động

Nhiều sáng tạo, tâm huyết

Hôm nào cũng vậy, khi trời còn mờ tối, cô Duyên đã trở dậy chuẩn bị mọi thứ cho hai con. Ba mẹ con sẽ “chia tay”, đến chiều muộn mới gặp lại. Giao cho con gái lớn đang học lớp 11 chăm sóc, đưa đón em đi học, cô giáo Duyên đến trường để làm người mẹ thứ hai của các học trò lớp mẫu giáo lớn 1, Trường mầm non Hồng Bắc. Ở đó những đứa trẻ 5 tuổi đang chờ được cô giáo cắt tóc, bấm móng tay với lời hỏi han dặn dò thủ thỉ, được học các tiết học vui vẻ và tham gia các hoạt động đầy cuốn hút. “Cuộc sống ở xã biên giới A Lưới còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nên trẻ em cũng còn nhiều thiệt thòi. Tôi và các đồng nghiệp luôn suy nghĩ làm thế nào để khi đến lớp, các cháu được đủ đầy, hạnh phúc trong thế giới tuổi thơ”. Từ nỗi trở trăn, tình yêu thương, mong muốn mang đến những món ăn tinh thần đủ đầy “dưỡng chất”, cô Duyên luôn tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến phương pháp truyền thụ trong quá trình tổ chức các hoạt động, chương trình mở cho trẻ.

Từ chăm chú hướng ánh mắt lên màn hình đang trình chiếu hình ảnh đẹp mắt, nghe cô giáo giải thích về ý nghĩa và cách làm bánh a quát, một loại bánh truyền thống, đậm bản sắc dân tộc Pa Cô, thường chỉ “có mặt” trang trọng, ấm cúng trong các dịp cưới hỏi, lễ tết, trong các lễ hội, các cháu vô cùng háo hức khi được tự tay thực hành làm bánh, trải nghiệm luôn. Những cái miệng xinh xinh “hoạt động” suốt buổi. Nào là: “đây là bánh a quát này”, “mình làm được bánh a quát rồi”... Có bạn thích thú reo lên khi phát hiện, bánh peng dài còn bánh a quát hình tam giác. Những cái bánh mình làm, có cái tròn cái méo nhưng các cháu vô cùng thích thú. Những lời khen ngợi của cô Duyên khiến gương mặt lũ trẻ càng thêm rạng rỡ. Cô Duyên chia sẻ, niềm vui, sự hào hứng của lũ trẻ là động lực để cô dày công chuẩn bị trong các tiết dạy mở, về tìm hiểu lễ hội A Za (mừng lúa mới), lễ hội A Riêu Ping (cải táng)…, của dân tộc Pa Cô.

Học trò yêu quý

Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Gáo dục & Đào tạo huyện A Lưới chia sẻ: Không chỉ chịu khó tìm tòi, có phương pháp sáng tạo, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, cô Nguyễn Thị Duyên còn có rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác dạy học, áp dụng rất hiệu quả. Đối với cô Duyên, sự nỗ lực đó là gấp nhiều lần, bởi cô phải vượt lên hoàn cảnh khó khăn riêng của bản thân để dồn tâm huyết cho học trò, chứng tỏ cô rất yêu nghề, yêu trẻ, rất đáng được ghi nhận, trân trọng.

Tốt nghiệp trung cấp mầm non năm 2006, cô Duyên về nhận công tác tại Trường mầm non Hồng Bắc. Sau này, một mình nuôi hai con còn nhỏ, ở nhà tạm, phương tiện đi lại là chiếc xe đạp cọc cạch, nhưng cô Duyên vẫn quyết tâm theo học đại học mầm non hệ từ xa. “Thời gian theo học, tôi bồng theo con (con nhỏ của cô Duyên lúc đó mới 6 tháng tuổi) về TP.Huế. Lúc đó hoàn cảnh gia đình thực sự quá khó khăn, nhưng tôi “lỡ” mê nghề, yêu trẻ nên quyết tâm không bỏ cuộc. Mình phải học thì mới có thể làm tốt công việc, để những đứa trẻ nơi miền biên giới xa xôi hứng thú, vui vẻ, cởi mở, tự tin, trưởng thành hơn. Các cháu biết ríu rít “thưa bố mẹ con đi học về”, chào bố mẹ để vào lớp, chào hỏi lễ phép khi có khách đến lớp, mạnh dạn đưa ra ý kiến..., là hạnh phúc của chúng tôi”.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên đã vượt lên khó khăn của hoàn cảnh, nuôi heo, gà phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy tốt hai con, theo đuổi tình yêu nghề, yêu trẻ. Bây giờ, ba mẹ con cô Duyên đã có ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng chắc chắn. Hai con ngoan ngoãn, nghe lời và rất thương mẹ, biết chăm sóc nhau, chia sẻ việc nhà để mẹ có thời gian chăm sóc học trò. Cô giáo nơi miền biên giới tâm sự, rất vui khi năm 2017, được Bộ Giáo dục & Đào tạo vinh danh là giáo viên tiêu biểu; đạt giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; đạt nhiều giải cấp huyện, cấp trường, nhận được nhiều bằng khen. Hạnh phúc nhất là học trò chờ đợi, mong ngóng cô Duyên sớm khỏe mỗi khi đau ốm để đến lớp với các cháu.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh