Vùng rau màu thôn Nhất Đông, xã Điền Lộc bị ngập úng

Nhiều diện tích rau màu bị ảnh hưởng

Mưa lũ những ngày qua đã làm cho các diện tích rau màu chính vụ (vùng thấp) và trái vụ (vùng cao) thuộc xã Điền Lộc ngập úng và chết. Bà Hồ Thị Nga, thôn Nhất Đông cho biết, gia đình bà sản xuất 1 sào rau màu vùng thấp và 1,5 sào rau màu vùng cao. Đợt mưa lũ mấy ngày qua đã làm cho 1 sào rau màu gồm: cải, xà lách, rau dền, ngò và ớt ở vùng thấp chết hoàn toàn. Thiệt hại ước tính khoảng gần 10 triệu đồng. 

Những diện tích rau màu vùng thấp của xã Điền Lộc đều bị ngập nước chết hoàn toàn. Riêng vùng cao, những hộ gia đình trồng rau màu phủ lưới để giảm lượng mưa thì thiệt hại ít hơn. Đối với những hộ không phủ lưới đều bị chết hoàn toàn do mưa to.

Thống kê của UBND xã Điền Lộc, có 14,6ha rau màu của khoảng 300 hộ dân thuộc các thôn Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây và Nhì Tây ngập và chết. Trong đó, có 10ha chết từ 70% đến hoàn toàn. Số còn lại chết từ 50 đến 70%. Thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng.

Đường vào khu sản xuất rau màu tại xã Điền Lộc bị cuốn trôi do mưa lũ

Đến trưa 12/12, 80 hộ dân thuộc khu thủy diện, thôn Giáp Nam vẫn còn ngập trong nước, bị chia cắt hoàn toàn, phải di chuyển bằng phương tiện ghe, thuyền. Đường vào khu sản xuất rau màu của người dân tại thôn Nhất Đông bị lũ cuốn trôi, làm hư hỏng 10m chiều dài đường. Người dân không thể đi qua đoạn đường này để trồng rau màu mà phải đi đường vòng. Chính quyền địa phương đã huy động người dân tham gia gia cố đường bằng bao cát với kinh phí gần 10 triệu đồng.

Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết, hiện nay, xã đã chỉ đạo người dân tập trung thu hoạch những diện rau màu đã đến kỳ thu hoạch. Những diện tích thiệt hại, sẽ tổng hợp, báo cáo với UBND huyện Phong Điền nhằm có chính sách hỗ trợ cho người dân để tiếp tục tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đối với đường vào khu sản xuất bị hư hỏng, ngoài biện pháp khắc phục tạm thời, sau mưa lũ, xã sẽ huy động nhân lực, vật lực sửa chữa lại con đường này. Hiện, mưa lũ  đang diễn biến phức tạp, nước đang lên, nếu lũ lên cao, xã đã có phương án di dời 80 hộ dân ở vùng thủy diện, 20 hộ dân ở các vùng trũng của 7 thôn lên Nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học cao tầng. Để chủ động trong phòng, chống lụt bão, xã Điền Lộc đã tích trữ 1 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, 100 lít dầu hỏa, 200 lít dầu diezen… phòng khi lũ lớn xảy ra.

Sạt lở bờ biển Phong Hải

Bờ biển tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải bị sạt lở nặng do mưa lũ

Ông Võ Như Khánh, Tổ trưởng Tổ tự quản Khu nuôi tôm thôn Hải Thế (xã Phong Hải) cho biết, mấy năm trở lại đây, nhất là đợt mưa lũ từ ngày 10/12 đến nay đã làm kênh mương thoát nước khu nuôi trồng thủy sản thôn Hải Thế dẫn nước đi ra biển bị sập đổ, hư hỏng nhiều đoạn. Nước từ mương thoát nước này chảy tràn sang hai bên bờ biển, gây sạt lở với chiều dài ước khoảng 1km, ảnh hưởng đến 30 hộ nuôi tôm của thôn và 7,5ha rừng phòng hộ ven biển của thôn Hải Thế; sập bể mương thoát nước khiến nước tràn vào bể lắng của khu nuôi tôm mới đầu tư trải bạt được các hộ nuôi tôm đầu tư 50 triệu đồng, tràn ra bờ biển gây ô nhiễm môi trường. Nếu mưa lũ tiếp tục, nguy cơ sạt lở biển dễ xảy ra. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm khắc phục hư hỏng mương thoát nước này.

Kênh mương thoát nước thải ở khu nuôi tôm thôn Hải Thế bị sập, vỡ gây tràn nước

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, hàng năm biển xâm thực vào đất liền từ 20 đến 30m, ảnh hưởng đến 100 hộ dân 2 thôn Hải Thế và Hải Thành. Đợt mưa lũ lần này đã gây hư hỏng kênh mương thoát nước thải của khu nuôi tôm thôn Hải Thế cộng với sóng biển xâm thực khiến bờ biển bị sạt lở nặng. Do kinh phí đầu tư sửa chữa kênh thoát nước này quá lớn, trước mắt mong các ngành chức năng của tỉnh, huyện sớm đầu tư khắc phục để hạn chế tình trạng sạt lở. Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư xây kè dọc bờ biển qua xã Phong Hải với chiều dài gần 6km từ thôn Hải Thế đến thôn Hải Đông.

Đợt mưa lũ từ ngày 10/12 đến nay khiến vùng Ngũ Điền thiệt hại nặng. Trước đó, hồ tôm của ông Hồ Cường tại xã Điền Hương bị vỡ, thiệt hại 40 vạn con. Chính quyền đã huy động người dân giúp hộ ông Cường đắp lại đê hồ nuôi và tuyên truyền với các hộ nuôi tôm khác.

Đường vào khu dân cư thủy diện còn ngập nước, khiến 80 hộ dân thôn Giáp Nam bị chia cắt

Mưa lũ đã làm Trạm điện Phong Hải 4, thuộc xã Phong Hải bị xói lở. UBND xã Phong Hải đã huy động 50 người và 350 bao cát để khắc phục. Bên cạnh đó, đê phân lũ Điền Hương - Điền Môn bị sạt lở 50m. UBND xã Điền Hương và Điền Môn đã huy động 40 người, 200 bao cát để khắc phục tạm thời. Hiện nay, tình trạng mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, các xã vùng Ngũ Điền đã lên phương án phòng, chống nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản. Đối với những công trình bị hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân, các xã cũng đã chủ động khắc phục bước đầu.

Bài, ảnh: Hải Huế