Thủy điện Bình Điền điều tiết lũ.  Ảnh: Hải Triều

Mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền đạt +57,48m, so với MNDBT là +58m; lưu lượng đến 595m3/s, lưu lượng đi 261m3/s. Tại hồ thủy điện Bình Điền, mực nước +63,42m, so với MNDBT +85m; lưu lượng đến 258m3/s, lưu lượng đi 20m3/s. Mực nước tại thủy điện A Lưới +552,596m, so với MNDBT +553m; lưu lượng đến 155m3/s, lưu lượng đi 42.5+67.1m3/s. Hồ chứa nước Tả Trạch +31,908m, so với MNDBT +45m; lưu lượng đến 381m3/s, lưu lượng đi 5m3/s. 

Thủy điện Hương Điền theo dõi mực nước trong hồ. Ảnh: Hải Triều

Mực nước trên các sông lúc 17 giờ, ngày 12/12 cho thấy, trên sông Hương tại Kim Long 0,84m, dưới báo động 1 là 0,16m; trên sông Bồ tại Phú Ốc 2,39m, trên báo động 1 là 0,89m. Mực nước trên sông Bồ sẽ lên trong đêm nay và ngày mai, dao động trên báo động 2.

Trước tình hình mực nước tại các hồ chứa có khả năng đạt cao trình thiết kế, chiều 12/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đến kiểm tra tại hồ thủy điện Hương Điền-hiện mực nước đang xấp xỉ MNDBT. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ hồ tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định; tích nước, điều tiết nước về hạ du một cách hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

* Chiều 12/12, trên địa bàn huyện Phong Điền, một số tuyến đường liên thôn tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thu, thị trấn Phong Điền… vẫn bị ngập, giao thông còn khó khăn.

Tuyến đường duy nhất đến trung tâm xã Phong Xuân đang ngập sâu. Ảnh: Nhân Dũng

Thôn Cổ Xuân - Quảng Lộc (xã Phong Xuân) có 150 hộ với gần 550 khẩu hiện đang bị chia cắt khi tuyến đường duy nhất lên trung tâm xã ngập từ 0,5-1m, trong thôn, 2 hồ cá với diện tích 1.000m2 của ông Trương Phi và Trương Thanh Hải đã bị ngập hoàn toàn.

Tại thôn Phú Lộc (xã Phong Chương), 315 hộ với gần 1.400 khẩu đang phải di chuyển bằng thuyền khi các tuyến đường đều bị ngập, có nơi ngập sâu từ 1 - 1,5 mét.

Người dân thôn Phú Lộc (xã Phong Chương phải di chuyển bằng thuyền). Ảnh: Nhân Dũng

Bà Trần Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, nước lũ tại địa phương vẫn còn ở mức cao, nhiều thôn vùng trũng vẫn đang bị chia cắt. Trong đó, thôn Phú Lộc và thôn Ma Nê là ngập nặng nhất. Nhiều hộ dân bị cô lập giữa biển nước.

Quan sát, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ từ 1h -2h chiều 12/12, sau khi rút chậm, nước tại thôn Phú Lộc đã dâng trở lại khoảng 10cm.

* Mưa lớn những ngày qua đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm dọc theo sông Bồ và sông Hương qua các xã, phường của thị xã. 

Sạt lở ăn sâu vào đường sông Bồ, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã giăng dây cảnh báo người dân. Ảnh: Liên Minh

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thị xã Hương Trà, những điểm sạt lở nghiêm trọng tập trung tại bờ sông Bồ đoạn qua phường Tứ Hạ.

Cụ thể, điểm sạt lở có chiều dài khoảng 60 mét, tạo nên những hàm ếch, ăn sâu vào bên trong tuyến đường giao thông nội thị sông Bồ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đoạn đường này và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân sinh sống ở đây.

Ngoài ra, tình trạng sạt lở còn xảy ra tại một số điểm khác như: sạt lở bờ sông Hương qua TDP Lựu Bảo, phường Hương Hồ với chiều dài 30m, rộng 5m; sạt lở hói 7 xã qua phường Hương Chữ chiều dài 200 mét; hói 5 xã qua phường Hương An với chiều dài 150 mét.

Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, mưa lớn đã làm cho hơn 25 ha rau màu bị ngập ước tính thiệt hại 50%.

Sạt lở ăn sâu vào đường Sông Bồ đoạn qua  phường Tứ Hạ. Ảnh: Liên Minh

Trước tình hình thời tiết đang còn diễn biến phức tạp, UBND thị xã Hương Trà đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rào chắn, cảnh báo nguy hiểm tại những điểm sạt lở; tổ chức di dời các hộ dân nằm ở vùng xung yếu, sạt lở đến nơi an toàn an và tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi, nắm tình hình, diễn biến của mưa lũ; đồng thời, triển khai thiệu quả các phương án đối phó theo phương châm 4 tại chỗ để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại về người cũng như tài sản của Nhân dân.

Tin, ảnh: Nhóm PV