Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm có thế mạnh

Theo báo tại hội nghị, toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm có thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, có 33 sản phẩm đã công bố chất lượng hàng hóa; 35 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm là gần 548 nghìn tỷ đồng/năm.

Công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm địa phương cũng rất được chú trọng. Toàn tỉnh có 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm địa phương. Nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, triển lãm giới thiệu sản phẩm và hội nghị kết nối giữa các nhà sản xuất và các kênh phân phối lớn trên toàn quốc cũng được tổ chức giúp kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân.

Theo Sở NN&PTNT, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc điều tra khảo sát số liệu để xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030, đơn vị đã khẩn trương điều tra cơ sở dữ liệu, đồng thời tiến hành rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang thực hiện trên địa bàn nhằm để xem xét, đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là phù hợp với lộ trình triển khai.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hình thành bộ máy quản lý, chỉ đạo, theo dõi chương trình ở tỉnh và huyện; cũng như xây dựng đề cương Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 định hướng 2030. Đặc biệt, trong các năm 2018- 2020, phát triển, nâng cấp 25 sản phẩm. Trong đó có 8 sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực.

Tin, ảnh: Hà Lê