Tác phẩm của nghệ sĩ Baek Junekee, Hàn Quốc

Xu hướng nghệ thuật mới

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế và Hội đồng triển lãm Vành đai Thái Bình Dương, mới đây, triển lãm quốc tế “Vành đai Thái Bình Dương 2018” được tổ chức ở Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 24/11. Quy tụ 84 tác phẩm của 82 nghệ sĩ tạo hình của 7 nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga, đây là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, sức thuyết phục mỹ cảm sâu sắc, thể hiện được những nền tảng tư duy thẩm mỹ mới lạ.

Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, sáng tạo của các nghệ sĩ Hàn Quốc đầy những đột phá và sự dấn thân vào cái mới qua ngôn ngữ biểu đạt, cách nhìn, biểu cảm ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Khuynh hướng đương đại thể hiện qua nhiều tác phẩm về lối sống trẻ, có vẻ hơi “pop”, “hit” thời trang phá cách. Trong khi các nghệ sĩ Thái Lan mang đến những tác phẩm trang trí nội thất, nghệ thuật truyền thống, đồ gốm kiểu mini Haku Nhật Bản. Họ khá trau chuốt và làm “mềm hóa” cảm giác vật chất của gốm sứ. Đôi lúc lại có khuynh hướng tái tạo đồ trang sức bằng góc nhìn khác lạ. Nghệ sĩ Trung Quốc vẫn là những người đi đầu trong nghệ thuật phỏng Quốc họa với núi non, sơn thủy theo kiểu đương đại ứng biến.

Vào tháng 4 năm nay, một triển lãm chuyên sâu về book art (sách nghệ thuật) đầu tiên được tổ chức tại Trường đại học Nghệ thuật với sự tham gia của các họa sĩ, giảng viên đến từ Học viện Bunditpattanasilpa, Thái Lan. Các họa sĩ Thái Lan mang đến cho công chúng một hình thức, hơi thở, góc nhìn khác về nghệ thuật. Vẫn là những đề tài quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống đời thường, như: giấc mơ, những lá cây, những tấm lưới, mắt cá trên bãi biển, chú voi trong công viên hay sắc màu của những bông hoa... nhưng bằng kỹ thuật tinh tế, họ đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

Với họa sĩ, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật nói riêng và giới họa sĩ Huế nói chung, các triển lãm quốc tế là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm sáng tạo, tiếp nhận những tư tưởng nghệ thuật mới từ sáng tạo của các họa sĩ quốc tế. PGS.TS. Phan Thanh Bình cho rằng: “Về mặt nghệ thuật, chúng tôi nhìn thấy ở các nghệ sĩ quốc tế ý thức sáng tạo đầy trách nhiệm, quan tâm sâu sắc đến thế giới nội tâm và cuộc sống của con người. Có những thứ cực kỳ đơn giản nhưng dưới con mắt sáng tạo có thể tạo thành tác phẩm làm lay động lòng người”.

Triển lãm quốc tế là cú hích trong tư duy sáng tạo nghệ thuật 

Thay đổi trong tiếp cận

Nếu tác phẩm của họa sĩ Huế thường nghiêng về phía hiện thực biểu hiện, đầy chững chạc và nhiều khi rất bề thế thì các họa sĩ quốc tế mang đến những lọ gốm, những design vừa là hội họa, vừa của điêu khắc và cả nghệ thuật trang trí. Chức năng và sự tiếp cận cái đẹp nghệ thuật được rộng mở. Không đề cập đến những vấn đề quá lý tưởng, xa vời, tác phẩm của họ quan tâm đến cuộc sống hiện thực, tâm trạng cụ thể của con người. Tất cả những gì gắn bó với đời sống hàng ngày của con người đều được nhìn dưới góc độ nhân văn nghệ thuật.

Theo nhìn nhận của các họa sĩ, những cuộc triển lãm quốc tế mang đến cách nhìn mới, khác lạ về nghệ thuật của thế giới. Khi Huế chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các trào lưu mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật đương đại thì các triển lãm quốc tế là sự bổ sung khá thú vị, cần thiết cho góc nhìn về sự phát triển nghệ thuật, từ đó, sẽ tạo ra những thay đổi trong sáng tạo cũng như hòa nhập quốc tế. Họa sĩ Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường đại học Nghệ thuật nhận xét: “Họa sĩ quốc tế tìm góc độ mới hơn về cách nghĩ, kỹ thuật, chất liệu phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tác phẩm của họ đơn giản, gọn nhẹ, ít kỳ công, ngay cách treo tác phẩm đã phản ánh sự đơn giản về cách nghĩ. Họ không nhìn theo nghệ thuật tạo hình thuần túy mà nhìn theo quan điểm nghệ thuật thị giác đầy cởi mở. Đó là hình thức mới để tạo ra vẻ đẹp mới hơn. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi theo xu hướng ấy, không chỉ là tạo hình theo truyền thống”.

Sự khác biệt lớn nhất là, qua triển lãm “Vành đai Thái Bình Dương 2018”, các nghệ sĩ nhìn thấy “bóng dáng” một ngành công nghiệp nghệ thuật tồn tại, đứng đằng sau nâng đỡ, chắp cánh, thúc đẩy các họa sĩ sáng tác và tổ chức những triển lãm quy mô. Trong khi đó, ở các triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật tỉnh được tổ chức hàng năm, với kinh phí quá ít ỏi, các hội viên triển lãm tác phẩm như một cuộc gặp mặt vui chơi, giao lưu thường niên, ít ai nghĩ tác phẩm của mình sẽ tạo ra bước ngoặt hay bán được tranh, dù các họa sĩ rất có tài năng.

PGS. TS. Phan Thanh Bình nhận định: “Trong xu thế hiện đại, các họa sĩ Huế vẫn còn cô độc, chưa có cơ hội tiếp cận ngành công nghiệp nghệ thuật cũng như cơ chế tài chính. Họ vẽ tranh, trưng bày nhưng không chắc sẽ có người mua. Với nguồn kinh phí ít ỏi hiện nay của Hội Mỹ thuật, thì chưa thể làm những việc lớn hơn. Đó là hạn chế cần khắc phục. Đã đến lúc phải tạo ra sự thay đổi trong việc tiếp cận các doanh nghiệp, với người thưởng thức tranh, không chỉ sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ chung mà phải hướng đến đối tượng cụ thể, gắn kết với kinh doanh mới thúc đẩy nghệ thuật phát triển”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN