Kinh tế ASEAN đã phục hồi nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: Biz

Đến nay, đã hơn 20 năm kể từ lần cuối cùng diễn ra cuộc khủng hoảng tổng thể ở châu Á. Tuy nhiên, những rủi ro ở châu Á và nước ngoài ngày càng tăng và đang bắt đầu gây ra những lo ngại nghiêm trọng.

Những rủi ro

Sau một thập kỷ các nền kinh tế tiên tiến giữ lãi suất ở mức thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các điều kiện tiền tệ toàn cầu đã thắt chặt rất nhiều và ngày càng ít hỗ trợ hơn trong trung hạn.

Trong tuyên bố mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tái khẳng định ý định tiếp tục tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng kết thúc chương trình mua tài sản. Theo đó, khi tỷ giá toàn cầu tăng cao hơn, dòng chảy từ các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ gia tăng cùng với áp lực giảm giá đối với đồng nội tệ. Điều này làm tăng lạm phát và có khả năng sẽ buộc các ngân hàng trung ương ở các nước phải tăng lãi suất trong nước hoặc rút dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng tiền trong nước. Rủi ro này sẽ thắt chặt hơn nữa các điều kiện tiền tệ ở các nước và làm giảm hoạt động kinh tế.

Đồng USD mạnh lên cũng làm tăng gánh nặng trả nợ của khoản nợ bằng USD. Một báo cáo gần đây ghi nhận rằng 80% các khoản vay xuyên biên giới cho các thị trường mới nổi là bằng đồng USD. Hơn nữa, việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ cũng làm giảm tín dụng trong các nền kinh tế địa phương và thu hẹp cơ sở hạ tầng tài chính của các ngân hàng toàn cầu.

Mặc dù các nền kinh tế ASEAN đến nay đã phục hồi, nhưng căng thẳng lại đang gia tăng. Từ đầu năm nay, Indonesia và Philippines đã chứng kiến ​​đồng tiền của họ lao dốc so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương của 2 quốc gia này đã phải tăng mạnh lãi suất trong khi làm chảy một lượng dự trữ ngoại hối đến 16 tỷ USD chỉ trong vài tháng.

Rủi ro thứ hai đến từ những tác động của cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, căng thẳng thương mại này có thể có lợi cho các ngành công nghiệp hàng hóa trung gian cụ thể ở một số quốc gia thành viên ASEAN, nhất là ở Malaysia và Việt Nam. Nhưng các chuyên gia cho rằng, bất kỳ sự suy giảm nào của thương mại toàn cầu nhìn chung cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế ASEAN.

Điều này là do các nền kinh tế ASEAN đều phụ thuộc nhiều vào thương mại: tổng kim ngạch thương mại chiếm tới 86% GDP của ASEAN-5, so với mức trung bình của thế giới là 44%. Hơn nữa, các nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia, có các lĩnh vực sản xuất thế mạnh đã hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong thập kỷ qua.

Thứ ba, nền kinh tế ASEAN nói chung đã trở nên gắn kết sâu sắc với nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc vừa là khách hàng hàng đầu của hàng hoá xuất khẩu từ ASEAN, vừa là nguồn khách du lịch lớn nhất. Theo đó, sự phát triển chậm lại hiện nay ở Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây lo ngại.

Lạc quan và thách thức

Thực tế, nhiều thứ đã thay đổi trong 20 năm qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tin tốt là ASEAN đã trở nên kiên cường hơn. Số dư tài khoản vãng lai tổng thể “khoẻ mạnh” hơn so với trước đây, và bất chấp sự giảm giá đồng nội tệ gần đây ở Indonesia và Philippines, các nền kinh tế ASEAN-5 vẫn tích lũy được 655 tỷ USD dự trữ ngoại tệ bổ sung kể từ năm 1997. Ngoại trừ Malaysia, các khoản nợ nước ngoài hiện nay của các nước trong ASEAN-5 cũng đã sụt giảm.

Quan trọng hơn, các loại tiền tệ chính của ASEAN không còn được gắn với đồng USD, điều này cho phép việc điều chỉnh trải dần ra trong khoảng thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức đáng lo ngại khác. Các liên minh toàn cầu căng thẳng, ngân sách của các chính phủ cũng được thắt chặt… có thể làm mất khả năng đối phó với khủng hoảng theo cách thức phối hợp hiệu quả như trước đây của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nền kinh tế toàn cầu hầu như không bị ảnh hưởng, bất chấp những vấn đề ở châu Á. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu giờ đây lại xảy ra một cuộc khủng hoảng châu Á lần nữa, tình hình có thể không may mắn như trong quá khứ. Một cuộc khủng hoảng châu Á gần như chắc chắn sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, do đó, chính phủ các nước cần có sự điều chỉnh và chính sách phù hợp để tránh nguy cơ này xảy ra.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ NST & Financial Times)