Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2018

Gắn giải quyết việc làm với đào tạo nghề

Mở đầu buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhấn mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi, giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả. Cùng với giải quyết việc làm trong nước, XKLĐ được xác định là chiến lược quan trọng. Tuy vậy, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ vẫn còn một số hạn chế: tỷ lệ người lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp chưa cao, sinh viên ra trường chưa tìm được việc như mong muốn còn nhiều. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

Trước lo lắng của một độc giả về đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập, chất lượng chưa cao, chưa thiết thực, phù hợp với thực tiễn sản xuất của nông dân, ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để khắc phục những bất cập nói trên, các đơn vị liên quan phải làm tốt hơn công tác khảo sát nhu cầu học nghề, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành tại nơi sản xuất, ưu tiên đào tạo những ngành nghề làm ra được sản phẩm ngay hoặc lợi thế trong phát triển sản phẩm đó tại địa phương có thị trường tiêu thụ.

Toàn cảnh buổi đối thoại trực tuyến

Ý kiến khác cho rằng, việc đào tạo chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm cho lao động, khả năng tìm được việc làm chưa cao. Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, sẽ tập trung xây dựng chương trình giảng dạy theo nhu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình sát với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề.

Để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do tư duy của phần lớn học sinh thích học đại học mà không chọn các trường nghề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho hay, cần từng bước thay đổi nhận thức của người lao động và xã hội về đào tạo nghề, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học. Đồng thời, tăng hiệu quả của sự phối kết hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến quá trình tổ chức đào tạo và nhận người học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Đưa XKLĐ trở thành phong trào

Về mục tiêu, định hướng trong XKLĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho biết, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động. Trong đó, sẽ tập trung khai thác các thị trường ổn định và có mức thu nhập cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Năm 2019, phấn đấu đưa ít nhất 1.500 lao động đi XKLĐ, cả giai đoạn 2017-2020 có 4.500 người XKLĐ.

Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài liên kết với các cơ sở đào tạo để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Ngoài các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, người lao động còn được đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng về luật pháp, văn hóa, đất nước con người, phong tục tập quán của nước đến làm việc.

Dù kết quả XKLĐ đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có. Số lượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số... tham gia XKLĐ còn ít. Để khuyến khích người lao động đi XKLĐ, ngoài công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả của công tác XKLĐ, thực hiện tốt kết nối cung - cầu, hỗ trợ vay vốn, sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo giúp cho người học trang bị kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tác phong, đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó là việc xây dựng niềm tin, đưa XKLĐ trở thành phong trào thi đua giữa các địa phương.

Buổi đối thoại còn tiếp nhận và giải đáp hàng chục ý kiến của người dân, liên quan đến những giải pháp thúc đẩy giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác hướng nghiệp, phát triển phong trào khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia đào tạo cho lao động, điều kiện vay vốn giải quyết việc làm, XKLĐ…

Bài, ảnh: Minh Hiền