Người nhà bảo họ (công nhân) nói đợi xin ý kiến cấp trên đã mới đào tiếp. Vậy là “công trình” ngưng luôn từ đó. Chừng hơn mười ngày không thấy động tĩnh gì, tôi thắc mắc thì được Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế cho biết đang chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương khắc phục. Thế nhưng, thêm một tuần nữa trôi qua vẫn không khắc phục, tôi lại tiếp tục “thắc mắc” và hai hôm sau thì thấy một công nhân đến thi công. Công việc chỉ chừng một buổi nhưng họ “ngâm” gần cả tháng. Đáng nói là, trong thời gian đó, mưa liên tục, hố ga bị đào lên và lấp tạm bằng cát mất công năng sử dụng khiến nước mưa, nước thải, rác tràn ra đường, vào nhà gây ô nhiễm, nhếch nhác.

Cách nhà tôi vài bước chân là ngã ba, có kiệt dẫn vào trường mầm non và tiểu học. Hàng ngày giờ cao điểm lúc nào cũng kẹt xe. Phần thì lưu lượng phương tiện đông, phần vì người kinh doanh buôn bán nhiều, xe cộ đậu đỗ lung tung và không có ai nhắc nhở, xử phạt nên cứ kéo dài. Đã thế, công nhân đơn vị thi công cũng đào hố ga ngay giữa kiệt cùng lúc với hố ga nhà tôi và để vậy gần cả tháng. Ngoài rào chắn là các bao cát, họ còn đặt thêm biển báo nhưng không đặt dọc mà đặt ngang chắn gần hết đường kiệt khiến giao thông đã chật chội càng thêm bức bách.

Đáng nói là, công trình hoàn thiện cách đây hơn một năm, không hiểu sao đến bây giờ mới đào hố ga để nâng lên cho ngang mặt đường? Nếu ngay từ đầu, đơn vị thi công và các bên liên quan tính toán kỹ, trước khi thảm nhựa lắp hố ga cao hơn để ngang mặt đường thì đến bây giờ không phải tốn kinh phí làm lại, gây ảnh hưởng đến đời sống, đi lại của người dân.

Tìm hiểu thì được biết, tình trạng như hố ga vừa nêu không phải là cá biệt, có nơi thì hố ga cao hơn mặt đường cũng gây nguy hiểm không kém như ở đường Nguyễn Công Trứ. Những lỗi này đều không khó khắc phục nếu đơn vị thi công, tư vấn, giám sát,… làm tốt hơn công tác thiết kế, lắp đặt tính toán hợp lý thì ắt sẽ không gây tốn kém, phiền hà như thế.

Linh Đan