Chúng tôi về xã Phú Mậu (Phú Vang) đúng vào dịp Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 – 1939). Những ngày này, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nói chung và xã Phú Mậu, làng Thanh Tiên nói riêng ai cũng sự tự hào, xúc động khi nhắc đến người con của quê hương.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại xã Phú Mậu (Phú Vang)

Ông Nguyễn Văn Giáo, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu tự hào: “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Trọng, quê làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu. Làng quê bình dị thân yêu này đã nuôi dưỡng, hun đúc tình yêu quê hương đất nước trong con người Nguyễn Chí Diểu. Đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và suốt cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã nguyện suốt đời noi gương đồng chí, xây dựng quê hương Phú Mậu ngày càng phát triển”.

Theo tư liệu, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tọa lạc tại làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu. Nguyên trước đây, ngôi nhà được ông nội đồng chí Nguyễn Chí Diểu xây dựng. Do chiến tranh, thiên tai, ngôi nhà bị sụp đổ. Năm 1929, anh trai của đồng chí Nguyễn Chí Diểu là ông Nguyễn Chí Thống đã cho xây dựng lại ngôi nhà trên nền cũ.

Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà rường ba gian hai chái, mái lợp ngói liệt, cửa bảng khoa. Nội thất gian chính giữa nhà được thiết trí một án thờ để thờ phụng đồng chí Nguyễn Chí Diểu và những người thân. Gian bên trái đặt bộ phản gỗ, gian bên phải đặt cái sập gỗ, trước đây gia đình đựng lúa và cũng là nơi nghỉ ngơi của đồng chí Nguyễn Chí Diểu trong những năm tháng hoạt động tại quê nhà.

Hiện, khu di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu được trùng tu, tu bổ và mở rộng. Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 2307/QĐ ngày 30/12/1991.

Ông Nguyễn Trọng Hòa - người trông coi Nhà lưu niệm cho hay: “Để tỏ lòng thành kính, ngoài chuyện hương khói, bản thân tui cũng như bà con trong làng luôn ý thức trân quý những giá trị tư liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Chúng tôi chịu khó, tích cực làm ăn cũng là cách để báo ơn đồng chí Nguyễn Chí Diểu”.

Chúng tôi cũng ghé thăm Trường THPT chuyên Quốc Học- ngôi trường mang đậm dấu ấn một thời của đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Năm 1925, đồng chí Nguyễn Chí Diểu thi đỗ vào học Trường Quốc Học. Trong thời gian học tập tại trường, đồng chí đã liên hệ mật thiết với các nhà hoạt động cách mạng và kết thân với các đảng viên cộng sản trẻ tuổi.

Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế thông tin: “Tại ngôi trường này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cùng các bạn bè đồng chí hướng như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) bất chấp mọi thủ đoạn của thực dân Pháp và tay sai vẫn hăng hái hoạt động cách mạng. Chúng tôi luôn tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Diểu cùng những nhân tài khác đã được đào tạo và trưởng thành từ ngôi trường lịch sử này”.

Nhiều tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu cũng được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Theo ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa như: Trường Pháp - Việt Đông Ba; nhà ở, lăng mộ, từ đường và nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu; Trụ sở Xứ ủy Trung Kỳ; Trụ sở Tòa soạn báo Dân là minh chứng sinh động khẳng định Thừa Thiên Huế là vùng đất hình thành tư tưởng yêu nước, hành động yêu nước và quyết tâm đi theo con đường cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, nhằm tri ân sự đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Diểu với cách mạng Việt Nam và quê hương.

“Những di tích lịch sử văn hóa liên quan đến đồng chí Nguyễn Chí Diểu ở Huế là nhịp cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm tựa tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương trong thời đại mới. Mỗi di tích đều mang trong mình những giá trị khác nhau về giá trị lịch sử, văn hóa, lưu niệm, giáo dục truyền thống, du lịch… mà ngày nay chúng ta cần phải quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ”, Thạc sĩ Trần Văn Dũng, Phòng quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao bày tỏ.

Bài, ảnh: Anh Phong