Như tên gọi “thiên thần”, họ có sứ mệnh giúp các dự án khởi nghiệp đi qua “thung lũng chết”. Họ là ai và làm thế nào để tiếp cận?

 Chuyên gia tư vấn Nguyễn Tiến Trung

Nhận diện

“Thung lũng chết” là khái niệm được dùng để chỉ sự khó khăn, nguy hiểm của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn chập chững ban đầu. Giai đoạn này họ phải đối diện với rất nhiều rủi ro khi đang trong quá trình tìm hiểu thị trường, thử nghiệm sản phẩm mẫu, tốn kém công sức và tiền của... Rủi ro cao đến mức, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp thường không thể vượt qua, chỉ có 2/10 dự án sống sót để đi tiếp.

Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, NĐT thiên thần xuất hiện để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn này và họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chuyên gia tư vấn Nguyễn Tiến Trung (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Kankyo, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp Quốc gia), đưa ra dấu hiệu nhận diện: “Họ là những doanh nhân chỉ đầu tư vào giai đoạn đầu của một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời điểm một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn non trẻ, ở giai đoạn vô cùng khó khăn và chưa kêu gọi được những nguồn đầu tư lớn”.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Việt Đức (Cố vấn cao cấp Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý đầu tư khởi nghiệp Việt Nam) cũng gợi ý: “Họ chính là những người thấu hiểu và mong muốn đóng góp cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thông qua những dự án này, họ mong muốn được đóng góp lại cho cộng đồng, cho xã hội như một cách tri ân. Đó là dấu hiệu đầu tiên”. Minh chứng cho dấu hiệu ấy, ông Nguyễn Việt Đức kể lại câu chuyện, khi hỏi một Quỹ đầu tư của Hàn Quốc tại sao lại chọn Việt Nam để mở Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, họ trả lời đơn giản: Cách đây 20 năm, khi chúng tôi viết phần mềm trò chơi trực tuyến đầu tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có người chơi nhiều nhất. Nay chúng tôi muốn trở lại để cảm ơn các bạn.

Theo các chuyên gia, hầu hết nhà đầu tư “thiên thần” là những người từng là doanh nhân, nhà quản lý, kể cả những người đã về hưu… Lợi nhuận không phải là mục đích chính để đầu tư. Tại sao các nhà sáng lập/khởi nghiệp cần họ? Ông Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh: “Vì họ có vốn, có sự trải nghiệm, dày dặn kinh nghiệm thương trường, tên tuổi, mạng lưới khách hàng, nhà xưởng và các mối quan hệ. Nhờ có họ, các nhà sáng lập/khởi nghiệp sẽ giảm bớt được rất nhiều bài học đau thương trong giai đoạn đầu khởi nghiệp đầy khó khăn để có thể sống sót và phát triển”.

Tiếp cận bằng chất lượng con người

“Vì rủi ro rất lớn, các NĐT thiên thần chỉ dành khoảng 10% tài sản họ có để đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, nhưng sự hỗ trợ của họ lại rất lớn. Họ giúp các dự án khởi nghiệp nâng cao khả năng sống sót lên 20%, khả năng thoái vốn tăng 10% và giúp doanh nghiệp phát triển lên quy mô trên 70 người là 16%. Nếu không có họ hỗ trợ giai đoạn đầu, các nhà sáng lập/khởi nghiệp sẽ “hy sinh” ở “thung lũng chết”. Tuy nhiên, tiếp cận được họ là vấn đề hoàn toàn không đơn giản”, ông Nguyễn Tiến Trung nói.

Làm thế nào để tiếp cận được các NĐT “thiên thần”? Theo các chuyên gia tư vấn, các NĐT “thiên thần” đầu tư vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở giai đoạn đầu chính là họ đã đầu tư mạo hiểm. Do đó, yếu tố con người chính là sự “tín chấp” quan trọng các NĐT thiên thần xác định có đầu tư cho một dự án nào đó hay không. Doanh nhân Louis Nguyen, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon, chia sẻ: Điều cần nhất để ông có thể bỏ tiền và đi lâu dài với một doanh nghiệp khởi nghiệp chính là sự thật thà trong quá trình giới thiệu dự án và gọi vốn, nhà đầu tư rất cần điều này để hoạch định chính xác. NĐT “thiên thần” rót vốn giống như cách họ đặt cược vào trực giác của mình thông qua sản phẩm của các dự án khởi nghiệp vậy.

Ông Nguyễn Tiến Trung nói cụ thể: Để thu hút sự quan tâm của các NĐT “thiên thần”, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải tranh thủ mọi cơ hội để tiếp cận các NĐT “thiên thần” và tích cực chia sẻ câu chuyện của mình và gọi vốn. Thông qua những cơ hội ấy, các nhà khởi nghiệp phải thể hiện cho các NĐT “thiên thần” thấy được niềm đam mê của bản thân, giải pháp của dự án, độ lớn tiềm năng, lợi thế và năng lực của đội nhóm. Trong đó, cần phải làm nổi bật chất lượng của chính mình. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để dành được niềm tin của các NĐT “thiên thần”. Ông nhắn nhủ: “Trong số 72 dự án khởi nghiệp tiếp cận được với các NĐT “thiên thần”, chỉ có 1 dự án được chọn. Tỉ lệ cực thấp, nên nếu được các NĐT “thiên thần” đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp hãy hài lòng, sẵn sàng cởi mở và chia sẻ để hai bên tìm được tiếng nói chung, cùng nhau đi xa hơn”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN