Phạt cho tồn tại nghe thì rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình nhờn hóa pháp luật, phá hoại bộ máy hành chính của chúng ta. Sự việc đang nóng hổi gần đây ở rừng phòng hộ Sóc Sơn là một trong những ví dụ như thế. Chính quyền địa phương nói là đã làm hết chức năng, nhưng đã hơn 12 năm chưa giải quyết xong, mặc dù đã được thanh tra kết luận. Hay như đất quốc phòng ở Hải Phòng bị phân lô để bán hình thành một đô thị mới, sau một thời gian dài mới phát hiện sai phạm...

Rõ ràng bộ máy chính quyền buộc phải biết, xử lý nhưng hình như họ không thấy phải chịu trách nhiệm giải quyết hoặc không muốn giải quyết. Hình thức phạt cho tồn tại không phải cá biệt mà trở thành “trào lưu” tương đối phổ biến ở nhiều địa phương. Những tòa nhà cao tầng sai phép, những khu đất bị phân lô trái phép, những biệt phủ mọc lên trên đất trồng rừng, đất nông nghiệp là vật chất lớn, vậy nhưng chính quyền sở tại không biết. Đâu phải là những cây kim nằm trong túi. Từ đô thị đến nông thôn, việc xây dựng trái phép, không phép chính quyền địa phương nắm rất rõ nhưng chỉ lập biên bản, phạt tiền cho có lệ rồi…quên.

Mang tiếng là xử phạt nhưng biên bản được lập với vi phạm nhẹ nhất, người vi phạm chỉ việc nộp phạt rồi tiếp tục làm mà không có  một sự ngăn cản nào (dù danh nghĩa là đình chỉ hoặc buộc tự tháo dỡ). Địa phương này cho tồn tại được thì địa phương khác theo đó có cớ làm theo, trở thành một hiệu ứng dây chuyền. Cứ như vậy, tích tụ lâu dài tạo ra một tiền lệ xấu trong trật tự quản lý của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở.

Có vụ việc người đứng sau những công trình, dự án sai phạm là người có quyền lực trong hệ thống chính quyền, với những cú điện thoại “gửi gắm” đã làm chùn tay, nhụt chí cấp dưới. Bên cạnh thực thi pháp luật thì phạt cho tồn tại là kẽ hở cho tiêu cực của cán bộ.

Một số vụ việc dù biết sai phạm, nhưng cán bộ quản lý đã làm ngơ khi được chủ đầu tư “biết điều đi ngầm” hoặc có những lợi ích khác. Những dự án, công trình lớn sai phạm tuy không ai nói ra nhưng đã có thỏa thuận bất thành văn của lãnh đạo cơ sở với chủ những dự án, công trình xây dựng.

Trong điều kiện “chưa bị lộ” sẽ được mặc nhiên bỏ qua, mặc dù có một vài động tác xử lý lấy lệ. Chủ dự án biết “quan hệ” bằng lợi ích vật chất tương xứng thì người chịu trách nhiệm quản lý coi như không biết. Khi bị phát hiện sẽ đỗ lỗi cho khách quan, cho trình độ quản lý, cho nhân viên không báo cáo... Đằng sau biểu hiện này là những tiêu cực (không thể tránh khỏi), nhưng khó phát hiện, khó bị xử lý khi các mối quan hệ hai bên đều có lợi.

Để xây dựng bộ máy hành chính vững mạnh thì phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ mọi biểu hiện thiếu tôn trọng pháp luật, nảy sinh tệ hối lộ, tham nhũng, làm hư hỏng bộ máy công chức. Nhất thiết phải loại bỏ tình trạng lỏng lẻo trong quản lý trật tự xây dựng ở cấp cơ sở. Cần tăng cường tính minh bạch, xử lý nghiêm minh trong thực thi công vụ. Trong tình hình hiện nay, khi vi phạm đất đai, trật tự đô thị, trật tự xây dựng là những lĩnh vực nóng, có nhiều sai phạm thì cần thiết phải tăng cường kiểm tra, ngăn chặn lạm dụng quyền lực. Cần phải có biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại” như một tiền lệ xấu trong thực thi công vụ.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH