Theo 9to5mac, bằng sáng chế mô tả các vấn đề với hệ thống nhận dạng khuôn mặt 2D vì tồn tại tỷ lệ nhận dạng nhầm cao khi sử dụng.
Bên cạnh đó, kỹ thuật để thực hiện xác thực sinh trắc học bằng các thiết bị điện tử nói chung hiện vẫn khá cồng kềnh. Ví dụ, nhận dạng khuôn mặt yêu cầu người dùng phải thao tác theo cùng một cách trong cả hai lần đăng ký và mỗi lần lặp xác thực. Sự sai lệch thường dẫn tới các kết quả không chuẩn, tạo cơ hội cho một số người lợi dụng để tìm cách đánh lừa hệ thống. Nó khiến Apple chọn dùng hệ thống camera TrueDepth thay vì sử dụng hình ảnh 3D cho Face ID.
Ảnh minh họa trong bằng sáng chế của Apple.
Hồ sơ cho biết công ty muốn làm tăng khả năng bảo mật bằng cách sử dụng cả Face ID và Touch ID trong cùng một thiết bị. Ảnh minh họa cho thấy một người dùng đang thử Face ID trước, nhưng không thành công. Sau đó hệ thống cung cấp Touch ID làm phương án bổ sung. Dự phòng việc sử dụng mật mã cũng được hiển thị.
Chiếc điện thoại có cảm biến Touch ID như một nút vật lý. Nhưng Apple thường cố tình sử dụng các sơ đồ "lỗi thời" để minh họa vấn đề. Do đó, nếu công ty cung cấp một chiếc iPhone với cả hai phương thức xác thực sinh trắc học, gần như chắc chắn Touch ID sẽ được nhúng dưới màn hình.
Bằng sáng chế cũng đề cập tính năng nhận dạng khuôn mặt như một công nghệ có thể được sử dụng với smartwatch. Tuy nhiên, Apple Watch hiện chưa có camera dành cho Face ID.
Theo vnexpress.net