Chị Bùi Kim Phụng sum vầy cùng các con ở mái ấm Vạn An

San sẻ yêu thương

Bên trong nhà nghỉ Hoàng Việt trên đường Nguyễn Văn Linh (phường An Hòa, TP. Huế) luôn rộn vang tiếng cười, bởi đây còn là nơi cư trú của 32 em nhỏ ở mái ấm Vạn An. Nhỏ nhất mới 1 tháng, lớn nhất 17 tuổi, đây là những đứa trẻ kém may mắn được chị Bùi Kim Phụng nhận về cưu mang, nuôi ăn học. Từ A Lưới, Phan Thị Hồng Vân (sinh viên Trường cao đẳng Y tế Huế) về sống ở mái ấm Vạn An khi cha mất, mẹ không thể kham nổi việc nuôi 4 đứa con ăn học. Vân kể: “Từ ngày gặp được dì Phụng, cuộc đời em như bước sang trang mới”.

Từ TP. Hồ Chí Minh, chị Phụng bén duyên với Huế và việc thiện nguyện ở đây. Chị xây nghĩa trang thai nhi bị bỏ rơi ở Ngự Bình (TP. Huế). Mái ấm Vạn An ra đời năm 2015 để cưu mang những bà mẹ trẻ mang thai ngoài ý muốn, những đứa trẻ không được thừa nhận, trẻ mồ côi và cả trẻ em nghèo. Chị Phụng còn mở quán cơm chay Tâm Tịnh ở 52 Hồ Đắc Di (TP. Huế) hỗ trợ cho những người lao động và sinh viên nghèo ăn miễn phí. Chị kết nối những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ để nấu hàng ngàn suất cơm chay tặng cho bệnh nhân nghèo đang điều trị ở các bệnh viện. Hàng tháng, kinh phí duy trì quán cơm chay và mái ấm Vạn An khoảng 150 triệu đồng.

Tháng trước, chị Bùi Kim Phụng chạy vạy khắp nơi để đưa bé Trần Nhật Quang (4 tuổi, ở Đà Lạt) sang Singapore chữa bệnh. Quang không đi được nhưng không tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Thương quá, chị Phụng tâm niệm bằng mọi cách phải cứu cháu. Gửi hồ sơ bệnh án sang Singapore, khi bác sĩ bảo còn hy vọng, chị liền "book" vé đưa hai mẹ con Quang đi điều trị. Tiền quyên góp từ các mạnh thường quân vẫn còn thiếu trên 100 triệu đồng, chị Phụng quyết định vay mượn. Khi dốc hết tiền đóng viện phí và lo cho hai mẹ con Quang ăn uống, chị Phụng đành nhịn đói suốt đêm ở góc bệnh viện.

Chị Phụng không còn nhớ đã giúp bao nhiêu bệnh nhân nghèo chữa bệnh. Có những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, viện phí đến 300 - 400 triệu đồng, chị cũng giúp đến cùng. Ngoài số tiền quyên góp được, ca nào thiếu, chị lại bỏ tiền túi ra, không đủ thì vay mượn. Chị Cao Thị Hiền Oanh, một người bạn thiện nguyện luôn sát cánh cùng chị Phụng, kể: “Cách đây vài tháng, một bệnh nhân bị vỡ mạch máu não phải nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế cần 230 triệu đồng mổ ngay trong đêm. Không xoay xở kịp, chị Phụng chấp nhận đi vay nóng”.

Xin cho người nghèo

Nhiều năm nay, chị Bùi Kim Phụng trở thành người giúp đỡ của những mảnh đời bất hạnh. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều hoàn cảnh thương tâm tìm đến chị, không chỉ ở Huế mà nhiều tỉnh, thành khác. Là Tổng Giám đốc Công ty Việt Nga, một doanh nghiệp bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh, công việc của chị Bùi Kim Phụng rất bận rộn. Vậy nhưng, cứ có trường hợp nào ngặt nghèo cầu cứu, chị lại thu xếp lên đường. Chị di chuyển liên tục, vừa thấy ra Hà Nội dự lễ trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lại thấy chị vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho bà con nghèo ở Hóc Môn. Hôm sau, chị nhập viện vì xuất huyết dạ dày, tiếp đó, chị trốn viện để kịp ra Nha Trang cứu trợ cho người dân sau lũ lụt. Xong việc cứu trợ, chị bay về Huế với các con ở mái ấm Vạn An.

Hiếm khi chị Phụng ngủ trước 3h sáng, chị tranh thủ giải quyết công việc để dành thời gian hoạt động từ thiện. Buổi sáng đơn giản với gói xôi bắp, cả ngày nhiều khi chỉ gói mì tôm. Chị sẵn sàng hy sinh việc làm đẹp, từng bán nhà, bán đất để làm thiện nguyện. Chị Phụng bộc bạch: “Không hiểu sao, ra đường gặp ai đói khổ chị lại thương. Chị có thể bỏ qua một chiếc áo đẹp để dành tiền san sẻ cho người nghèo mà vẫn vui, nhưng nếu không giúp được họ, lương tâm chị ray rứt, thấy có lỗi. Dần dà, giúp người trở thành lẽ sống, việc thiện nguyện trở nên quan trọng nhất trong cuộc sống của chị”.

Mới đây nhất khi lo đám tang cho một nạn nhân xấu số chết trôi ở sông Hương, đến khi tìm được người nhà thì chị Phụng nhập viện vì kiệt sức. Thắc mắc, chị giản dị: “Chị không nghĩ mình đang giúp người dưng mà xem họ là người thân. Thấy chị làm, nhiều người khác cũng sẽ không ngại và chung tay. Xã hội có nhiều người tốt nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, chị sẽ là điểm mở cho mọi người kết nối và lan tỏa yêu thương”.

Chị Phụng tự nhận mình là kẻ đi “ăn xin” cho người nghèo. Ngoài mái ấm Vạn An và quán chay Tâm Tịnh chị tự lo, những trường hợp khó khăn, bệnh tật cần cứu giúp, chị kêu gọi sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm. Biết việc thiện nguyện của chị, nhiều người cùng chung tay. Người góp công, người góp của. Chị Hiền Oanh chia sẻ: “Bệnh nào có khả năng cứu được chị Phụng không chối từ, dù tốn đến vài trăm triệu đồng, trị bệnh kéo dài đến vài năm chị cũng lo đến cùng. Từ đó, chị đã kết nối được những tấm lòng hảo tâm đủ mọi tầng lớp trong xã hội”.

Chị Phụng còn ấp ủ nhiều dự định vì người nghèo. Mong ước lớn nhất là sớm hoàn thành dự án xây dựng nhà thuốc Đông y từ thiện tại Huế phục vụ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đây là dự án chung tay của chị cùng anh Trương Công Cử, một người con của Huế đang sống ở TP. Hồ Chí Minh. Chị Phụng chia sẻ: “Đây là điều tôi ấp ủ từ lâu. Những lúc chứng kiến bệnh nhân nghèo đau đớn vì bệnh tật, tôi rất xót xa. Mong ước xây dựng nhà thuốc Đông y cứ lớn dần, vì tôi biết có nhiều bệnh có thể chữa lành bằng Đông y, bằng những phương thuốc gia truyền và là cứu cánh cho nhiều người nghèo”.

Bạn bè và những cộng sự của chị kể, vì làm từ thiện, có khi chị cũng mắc nợ. Mỗi khi về Huế, người ta thấy chị hóm hỉnh đăng thông báo lên facebook cá nhân: “Nợ tiền đám tang, viện phí bệnh nhân nghèo, tiền gạo quán chay từ thiện, tiền sữa trẻ mồ côi, tiền gạo cho người già… xin đến lấy!”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN