Nguyên liệu tại chỗ dồi dào

Năm 2017, HTX NN Thủy Dương bắt tay chế biến trà mướp đắng từ nguồn nguyên liệu quả tươi thu mua tại vườn được trồng theo hướng VietGAP.

Mướp đắng được trồng theo kỹ thuật an toàn

Lợi thế của mô hình sản xuất này là diện tích trồng và sản lượng mướp đắng tại địa phương mỗi vụ thu hoạch khá lớn. Các hộ trồng mướp đắng ở Thủy Dương cho biết, đến vụ, bình quân mỗi sào (500m2) cho thu hoạch từ 5-6 tạ, bán cho tư thương tại vườn hoặc đem ra chợ bán lẻ.

Ngoài bảo đảm đầu ra cho người dân để phục vụ sản xuất trà mướp đắng, HTX đã hợp đồng mở mã với Siêu thị Big C Huế, đưa sản phẩm mướp tươi của bà con vào siêu thị. Nhờ bảo đảm đầu ra theo hai hướng này, lượng mướp được người dân trên địa bàn phường tiêu thụ dịp chính vụ khoảng 1 tấn/ngày, giá cao hơn từ 20-30% so với bán ngoài thị trường.

Hiện, toàn phường Thủy Dương có trên 40 hộ trồng mướp đắng với tổng diện tích hơn 10ha. Có 2 vùng trồng chính: dọc sông Lợi Nông và vùng đồi. Hộ trồng ít nhất khoảng 250m2, hộ cao nhất khoảng 0,5ha. Mướp thường được trồng từ cuối tháng 11, cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Một số vùng được trồng khoảng tháng 3 dương lịch, cho thu hoạch kéo dài đến tháng 6 hàng năm.

Đồng hành cùng hộ dân trồng mướp, HTX hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho bà con. Năm 2017, mô hình trồng mướp đắng theo hướng VietGAP được áp dụng, cấp chứng chỉ thí điểm cho 1,3ha. HTX hợp đồng với xã viên trồng, sau đó đơn vị phụ trách khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Để hạn chế côn trùng châm, chích, HTX đã nghiên cứu đặt mua túi bọc quả mà không cần phun thuốc diệt trừ côn trùng trực tiếp vào quả như trước đây. Ngoài những hộ sản xuất theo hướng VietGAP, nhiều hộ trồng nhận thấy việc bọc túi chống côn trùng hiệu quả nên cũng đặt mua với mức giá được HTX hỗ trợ 50%.

Đa dạng sản phẩm từ mướp

Ông Lê Chí Hiệp, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh HTX NN Thủy Dương cho biết, từ nguồn nguyên liệu mướp đắng tươi dồi dào tại địa phương, qua tìm hiểu thị trường và nhu cầu tiêu dùng của người dân, năm 2017, đơn vị đầu tư hơn 300 triệu đồng trang bị máy móc, nhà xưởng sản xuất trà mướp đắng theo hướng VietGAP.

Công đoạn sản xuất trà mướp đắng túi lọc

Trà gồm 2 loại: trà mướp đắng túi lọc và trà mướp đắng sao khô. Các loại trà được đóng gói bằng máy ép hút chân không, bảo quản được lâu hơn.

Ông Lê Chí Hiệp thông tin, qua các cuộc tham gia hội chợ, tìm kiếm thị trường, nhà phân phối, một số đơn vị khu vực miền Bắc, Trung và trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận tìm hiểu về sản phẩm trà mướp đắng để tiến đến ký kết phân phối. Ngoài ra, qua tìm kiếm thị trường, một số doanh nghiệp ở Thái Lan đang có nhu cầu về nguồn nguyên liệu mướp đắng tươi, nên đây sẽ là cơ hội kết nối đưa sản phẩm nông sản mướp Thủy Dương vươn xa.

Dự kiến năm 2019, HTX đầu tư thêm máy sấy lạnh để sản phẩm mướp sấy ra vẫn còn giữ nguyên màu xanh tự nhiên, tạo sự bắt mắt cho người tiêu dùng. Sản phẩm này được đóng gói hút chân không, phục vụ chế biến thức ăn trong mùa khan hiếm. Ngoài mướp đắng, máy sấy lạnh này có thể sấy đóng gói những loại củ, quả khác được trồng luân canh, xen canh tại địa phương như dưa, đu đủ... Nếu hiệu quả, đây sẽ là mô hình giải quyết nguồn thu cho HTX và đầu ra cho nông dân.

Để có được nguồn nguyên liệu ổn định, an toàn, sắp tới, HTX sẽ đầu tư, mở rộng quy mô, nâng diện tích được cấp chứng chỉ trồng mướp đắng theo hướng VietGAP cao hơn. Trước mắt, HTX sẽ hướng dẫn, vận động người dân chuyển đổi kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để sản xuất, đảm bảo không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng..., nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đưa vào sản xuất khoảng nửa năm nay, sản phẩm trà mướp đắng của HTX NN Thủy Dương đã tham gia một số hội chợ, hội nghị quảng bá sản phẩm. Mới đây, sản phẩm của đơn vị được Chương trình khảo sát sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao năm 2018 (do Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn VNPaco Media tổ chức) tặng huy chương vàng sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao và quyền sử dụng dấu hiệu.

Bài, ảnh: Hoài Thương