Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiến hành các thủ tục cần thiết bắt giữ Hồ Văn Nhớ
Hơn 10 năm làm nhân viên Bưu điện huyện A Lưới, Hồ Văn Nhớ đã trải qua nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau và tháng 6/2016, được lãnh đạo Bưu điện huyện A Lưới giao phụ trách việc chi trả lương hưu và BHXH.
Nhớ đã lợi dụng công việc để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, căn cứ vào danh sách nhận lương hưu và BHXH, Nhớ đã điền tên vào các phiếu người được thụ hưởng, tìm người phù hợp về độ tuổi, ngoại hình để “đóng thế” người có tên trong phiếu, đem đi thế chấp để vay tiền tiêu xài.
Từ các mối quan hệ, Nhớ quen biết với Lê Văn Tên, trú tại xã Bắc Sơn (A Lưới) và nhờ Tên “đóng vai” người có tên trong phiếu nhận lương hưu và BHXH và dẫn Tên đến gặp chủ cho vay để cầm cố phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH với lãi suất 20%/năm và hứa trả gốc cùng lãi hàng tháng.
Do Nhớ là nhân viên Bưu điện huyện và là người chi trả lương, đứng ra làm chứng bảo đảm, nên các chủ nợ tin tưởng cho vay tiền. Thấy việc vay mượn đơn giản, Nhớ tiếp tục dùng thủ đoạn này để nhờ Lê Hồng Nổi, A Viết Thiên (trú tại các xã Bắc Sơn và Hồng Thái) vay thêm từ 40 - 50 triệu đồng cho một phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH. Mỗi trường hợp đứng ra nhờ, Nhớ trả công 2 – 3 triệu đồng/người.
Tại cơ quan công an, Hồ Văn Nhớ khai nhận: Do cần tiền chi tiêu cá nhân, nên đã giả báo cáo với lãnh đạo Bưu điện huyện A Lưới rằng, có một số phiếu nhận lương hưu bị hư hỏng. Mục đích của việc làm này của Nhớ là để xin phiếu trống có sẵn chữ ký và con dấu của bưu điện để tự điền thông tin cần thiết vào phiếu rồi đem đi cầm cố vay tiền.
Bà Đoàn Thị Kim A, trú tại thôn Quảng Phú, xã Sơn Thủy (A Lưới) cho biết: Thấy Nhớ là nhân viên bưu điện lâu năm, lại đứng ra làm chứng cho các khoản vay, nên tôi rất yên tâm khi cho vay bằng các phiếu thế chấp. Tổng cộng Nhớ đã dùng 184 phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH để vay của tôi hơn 9 tỷ đồng. Ban đầu Nhớ trả tiền đúng theo thời hạn hợp đồng, nhưng lâu dần Nhớ vi phạm cam kết và dùng nhiều lời hứa ngon ngọt để trì hoãn việc trả nợ theo thời hạn. Đến khi tôi thúc ép, cương quyết lấy lại tiền thì Nhớ mới chịu trả hơn 3 tỷ 370 triệu đồng, còn nợ tôi 5 tỷ 750 triệu đồng.
Theo tài liệu của cơ quan công an, Nhớ cùng với Lê Văn Tên, A Viết Thiên, Lê Hồng Nổi đã sử dụng 225 phiếu vay tiền của 5 người với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Đến khi quá kỳ hạn trả nợ, bị các chủ nợ thúc ép, Nhớ đã trả lại hơn 3 tỷ, còn thiếu nợ hơn 7 tỷ đồng.
Nhiều bài học được rút ra từ vụ việc này, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Chính sự chủ quan, thiếu chặt chẽ của lãnh đạo và các bộ phận liên quan của Bưu điện huyện A Lưới trong việc cấp phiếu trống có sẵn chữ ký và con dấu đã để Hồ Văn Nhớ lợi dụng kẽ hở, thực hiện mưu đồ cá nhân của mình. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những lời hứa ngon ngọt, vay tiền với mức lãi suất cao.
Vụ Hồ Văn Nhớ là một trong những vụ việc điển hình mà chúng tôi đã điều tra, làm rõ trong năm 2018, Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: Anh Phong