Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Trường đại học Nông lâm Huế

Phát triển nông nghiệp sạch

Số liệu từ Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 18 mô hình nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa áp dụng biện pháp công nghệ cao như: tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, lắp máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống điện chiếu sáng kích thích ra hoa, công nghệ thủy canh… diện tích khoảng 14.000m2.

Cùng với ứng dụng công nghệ, nhiều mô hình canh tác thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ cũng dần xuất hiện. Trong đó, đáng ghi nhận là sự đầu tư của một số DN như Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Chăn nuôi Quốc Trung…

Theo ông Dương Xuân Quý, Phó Giám đốc Xí nghiệp Nước tinh khiết Bạch Mã, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế, công ty triển khai ứng dụng công nghệ thủy canh sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín trong nhà kính, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Rau sản xuất theo quy trình sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP, sau thu hoạch được kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng và tiến hành sục ozone khử khuẩn, đóng gói trước khi đến tay người tiêu dùng. Công ty đang tiến tới xây dựng thương hiệu rau đạt chuẩn hữu cơ và mở rộng mô hình.

Trồng hoa công nghệ cao ở Phú Mậu

Toàn tỉnh hiện có 11 địa phương tham gia sản xuất các mô hình hữu cơ với diện tích 343,6 ha; trong đó 343 ha lúa và 0,6 ha rau. Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích khoảng 1.057 ha. Cùng với trồng trọt, các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ xuất hiện trong 3 năm trở lại đây. Các mô hình sản xuất được liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, HTX NN hữu cơ Thanh Trà, HTX NN An Lỗ… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bùi Chúng, hộ chăn nuôi VietGAP Phú Sơn (Hương Thủy) chia sẻ: "Chăn nuôi theo quy trình VietGAP mở ra hướng đi mới. Trong đó, thị trường bắt đầu có xu hướng mở rộng khi Tập đoàn VinGroup đang tiến hành thương thảo cung ứng sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị Vincom, khách sạn Vinpeal Land. Chúng tôi cũng tiến hành liên kết với các hộ chăn nuôi VietGAP trên địa bàn thành lập tổ hợp tác sẵn sàng cho hoạt động cung ứng sản phẩm lâu dài".

Hướng đến chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, nhìn lại tiến trình 10 năm (2008-2018) thực hiện chương trình hành động nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2030. Trong đó, năm 2017, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân giai đoạn 2008-2017 là 3,5% (kế hoạch năm 2020 đạt ít nhất 2%); sản lượng lương thực có hạt đạt trên 33,4 vạn tấn (chỉ tiêu 27 vạn); sản lượng thóc đã đạt 32,7 vạn tấn (chỉ tiêu 26 vạn). Diện tích rừng hàng năm đạt 5.670 ha, trong khi mục tiêu đề ra là 4.000 đến 4.500 ha, che phủ rừng đạt 57,32%.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh thông tin, những năm gần đây, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, hữu cơ xuất hiện là tiền đề quan trọng trong xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, tỉnh triển khai thí điểm xác nhận cho 10 chuỗi với 15 sản phẩm nông sản (gạo, rau, quả, thịt heo, thịt gà, trứng gà...). Trên nền tảng đó, nhiều cửa hàng, siêu thị cũng có những đầu tư bước đầu cho xây dựng và công bố chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn.

Đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững, duy trì tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; trong đó, nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại là mục tiêu quan trọng.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, cơ cấu ngành nông nghiệp cần hoạch định theo cơ chế thị trường, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất tiêu dùng. Tạo môi trường thuận lợi khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, tham gia liên kết theo chuỗi cung ứng thực phẩm hướng đến nền nông nghiệp an toàn. Tập trung phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh thông qua nâng chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Nhờ có những bước chuyển trong chương trình hành động "tam nông", tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 tại khu vực nông thôn chiếm 5,3%, giảm 10% so với năm 2008 (mục tiêu năm 2016 đạt dưới 10%). Đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo được xác định theo chuẩn nghèo đa chiều, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo còn 8,7%, giảm 1,6% so với năm 2016.

Bài, ảnh: Hoàng Loan