Không phải là người cao tuổi nhất của làng, song kể từ năm 18 tuổi, khi mệ Hén bước chân về làm dâu đến nay đã ngót 80 năm có lẻ. Nhưng tuổi của ngôi nhà rường 1 gian hai chái nơi cuối ngõ này còn hơn thế. Tôi đã vài lần bước vào đây, ngồi xuống bậc cửa cũ mòn và mảnh sân rạn vỡ, chỉ để lặng yên nghe nhịp sống trầm tĩnh trôi qua như dòng sông trước ngõ. Mùa cũ, hoa xoan cũng ngát trời như giấc mơ hiền dịu, như bể dâu phận người đã lặn vào đâu đó, chỉ còn tiếng thở sâu, đằm mà khẽ như cơn gió vừa qua. Đôi tay gầy, nhăn như trầm tích với chút ít run rẩy khi mệ lấy chiếc bình vôi quẹt một ít vào lá trầu xanh đã gọi về tôi những rung cảm. Chiếc bình vôi cũng đã theo mệ về nhà chồng vào năm 18 tuổi.
Mẹ Hén
 
Giờ thì chiếc bình vôi của mệ Hén được các cô hướng dẫn trẻ của Ban Quản lý làng cổ giới thiệu với khách như một hiện vật cổ. Mệ Hén cũng cười móm mém khi bảo nó đã lên nước lâu rồi, ai tới cũng ưng cầm lên cho biết. Nhưng tôi biết, chiếc bình vôi cũ có lẽ còn hơn cả một người thân, khi nó đã mang theo trong mình những buồn vui, nụ cười và nhiều hơn là những giọt nước mắt của cô gái trẻ thuở nào với cái tên thuần hậu, nhưng có lẽ nghe cũng có phần hơi điệu đàng một chút: Lương Thanh Thị Hén. Ngôi nhà cũng đã tươm tất hơn hẳn khi những đường nét kiến trúc đã được phục dựng lại trong một dự án của chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di sản và sự đóng góp phần mình của huyện nhà. Vẫn móng đá hộc. Vẫn khung gỗ, mái liệt. Vẫn tường xây gạch trát vữa, các vách ngăn gỗ và cửa bảng khoa... Sự pha trộn và giao thoa giữa dân gian và cung đình một cách hài hoà đã làm cho đường nét kiến trúc ngôi nhà mà mệ đang ở có phần sang trọng nhưng lại không quá lễ nghi. Nó làm cho những bước chân không rụt rè.
Vẫn nụ cười móm mém, mệ kéo tay tôi về phía chiếc giường gỗ lúc mọi người đã vãn, bảo con ngồi xuống đây đi. Ngồi xuống đây cho khoẻ nì... Tôi nắm bàn tay gầy của mệ, xót xa khi nghĩ, chỉ một lát nữa thôi, mệ lại một mình lụi cụi trong ngôi nhà đã trở nên quá rộng này khi người chồng đã rời bỏ cõi tạm, con cháu thì ra riêng và xê dịch kiếm sống ở nhiều phương trời.
Nhà mệ Hén
 
Mệ Hén mừng lắm khi ngôi nhà được trùng tu, được nâng cấp để kéo dài tuổi thọ. Và có lẽ cũng là điều dễ hiểu khi tuổi cao đến thế rồi mà mệ vẫn không chịu xa ngôi nhà ký ức. Những ngày còn khoẻ, đi đâu một thoáng rồi mệ cũng lại quày quả trở về, như sợ ngôi nhà buồn tủi. Tôi thấy phần đời đẹp nhất của mệ ngay ở đây, chính vào cái lúc mà mệ lại kể, không cần biết là tôi có cần lắng nghe hay không về những ngày trẻ, mùi thơm của gió, những dây trầu xanh và tiếng ríu rít bên nồi cơm bốc khói lúc chiều tà. Cả ký ức chợt nhiên đâu đó khi cô gái Phong Mỹ ngày xa lắm ngập ngừng chạm tay vào cánh cửa gỗ. Rụt rè và bối rối. Ký ức bao giờ cũng trong trẻo và thật hiền...
Làng đẹp và lặng. Và tôi cũng thấy ngùi ngẫm khi một ngày nào đó, ngôi nhà của mệ Hén chỉ còn lại chiếc bình cổ...
Hạnh Nhi